Các thiết chế văn hoá, thể thao có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân
Các thiết chế văn hoá, thể thao có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức hoạt động và quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về văn hoá, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhờ có thiết chế văn hoá nên các nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, giải trí, luyện tập thể dục, thể thao… của các tầng lớp nhân dân được đáp ứng. Thiết chế văn hoá cũng là nơi tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, hình thành môi trường giao tiếp cộng đồng thoải mái, vui vẻ, lành mạnh. Đặc biệt, thiết chế văn hoá cũng là nơi lưu giữ, phổ biến các giá trị văn hoá thông qua các hoạt động phù hợp với phong tục, tập quán và lối sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Nhiều giá trị văn hoá đã được bảo tồn, gìn giữ và phát huy ngay từ những trung tâm văn hoá, nhà văn hoá của xã, thôn, huyện đến các sân khấu, nhà hát như: hát xoan, hát bội…
Có thể nói, thiết chế văn hoá có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của nhân dân, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, là công cụ của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo quần chúng. Sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá, vì thế cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá, giúp các thiết chế văn hoá ngày càng được kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm thoả mãn tốt nhất nhu cầu văn hoá của nhân dân theo định hướng của Đảng.
Thời gian qua, việc sử dụng và quản lý các thiết chế đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hoá, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Các hoạt động tại một số thiết chế văn hoá còn đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở hoạt động hội họp, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác lãnh đạo, quản lý thiết chế văn hoá còn chậm đổi mới. Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động thường chỉ rầm rộ lúc đầu mà không duy trì được hiệu quả tuyên truyền trong toàn bộ quá trình quản lý. Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hoá còn thiếu những cán bộ văn hoá có chuyên môn chuyên sâu và tâm huyết với nghề…
Từ thực tế này cho thấy, việc đảm bảo chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hoá ngày càng được kiện toàn, làm thoả mãn tốt nhất nhu cầu văn hoá của nhân dân theo định hướng của Đảng. Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm.
Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thực hiện Đề án số 2115/ĐA-UBVHGD15 ngày 29/12/2023 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024, tiếp nối Hội thảo Văn hóa năm 2022, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” với hình thức trực tiếp tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 12/05 tới đây.
Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh
Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” nhằm góp phần vào việc tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, thể thao về việc thực hiện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao nhằm phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian tới.
Trong thời gian sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Một trong các nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu là hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ những nội dung trên.
Hội thảo cũng sẽ đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc huy động, bố trí nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa thể thao như: Công tác quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao (đất đai, các loại hình thiết chế...); nguồn lực cho thiết chế văn hóa (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất); quản lý, khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao… Qua đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Đảng về văn hóa./.