Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội thảo
Trong giai đoạn 2017-2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Unicef đã phối hợp thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực đại biểu dân cử trong việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam”. Dự án được ký kết hoàn thiện vào cuối năm 2017, bắt đầu triển khai các hoạt động cụ thể từ năm 2018. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cơ quan điều phối và quản lý dự án.
Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử trong việc xây dựng và giám sát pháp luật, chính sách liên quan đến quyền trẻ em trên cơ sở phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Công ước CRC) và các chuẩn mực quốc tế khác; xây dựng môi trường pháp luật và chính sách tốt, có khả năng bảo vệ cho mọi trẻ em. Dự án tập trung vào các hoạt động tăng cường cam kết của các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện quyền trẻ em; tăng cường kiến thức của các đại biểu dân cử về các chuẩn mực quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền trẻ em; lồng ghép các vấn đề về trẻ em vào các văn bản pháp lý phù hợp; xây dựng và áp dụng một số bộ công cụ giám sát việc thực hiên chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em…
Trong giai đoạn 2017-2021, trong điều kiện kiêm nhiệm và ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh hai năm cuối 2020, 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ban quản lý dự án đã bám sát các mục tiêu của Dự án, xây dựng và triển khai tổ chức nhiều hoạt động. Trong đó có những hoạt động cấp cao do lãnh đạo Quốc hội lần đầu tiên tham gia và chủ trì Đoàn khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách tại địa phương, cơ sở, có sự tham gia của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành. Các hoạt động đều nằm trong nội dung chương trình công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Ủy ban và phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của dự án; nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết cũng chỉ ra, đội ngũ chuyên gia về quyền trẻ em để hỗ trợ cho dự án, nhất là chuyên gia vừa am hiểu về quyền trẻ em vừa am hiểu về hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội không nhiều, do đó khi tổ chức hoạt động gặp những khó khăn nhất định, nhất là những hoạt động có tính chuyên môn sâu như thực hiện các nghiên cứu để đề xuất chính sách, cơ chế thúc đẩy quyền trẻ em; việc huy động một số Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia thực hiện Dự án còn hạn chế; Ban quản lý dự án 100% kiêm nhiệm, việc sắp xếp, điều phối giữa hoạt động dự án và hoạt động chuyên môn của Ủy ban tại một số thời điểm có những khó khăn nhất định. Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội phòng, chống dịch, nên hầu hết các hoạt động dự kiến không thực hiện được.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nội dung Dự án Nâng cao năng lực cho đại biểu dân cử trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em giai đoạn 2022 - 2026. Theo các đại biểu, cần tiếp tục cải thiện năng lực lập pháp, hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và có sự tham gia của các bên. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò độc lập của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; cải thiện phân bổ và khai thác các nguồn lực thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, nâng cao năng lực giám sát và lập ngân sách thân thiện với trẻ em...
Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam, bà Rana Flowers bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực mạnh mẽ của Quốc hội trong công tác trẻ em, đối tượng mà Unicef quan tâm, phục vụ. Trước tác động của COVID-19 và tình hình quốc tế vô cùng biến động hiện nay, bà Rana Flowers cho rằng, Việt Nam không chỉ cần phải duy trì mà còn cần phải mở rộng các khoản đầu tư vào lĩnh vực xã hội, trong đó có trẻ em. Về vấn đề này, Unicef sẵn sàng hỗ trợ Quốc hội trong việc đảm bảo dư địa tài chính lớn hơn cho các lĩnh vực trọng yếu về quyền trẻ em, đặc biệt là tăng cường hệ thống an sinh xã hội, tập trung vào trợ giúp xã hội cho gia đình - để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, bảo vệ trẻ em và nước sạch và vệ sinh…
Thống nhất với các mục tiêu của dự thảo dự án, các đại biểu góp ý: Với dân tộc thiểu số, Chính phủ có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cần xem xét để tránh chồng chéo với chương trình của Unicef. Ngoài quan tâm đến bảo vệ trẻ em, cũng cần quan tâm đến phát triển trẻ em, đặc biệt là giáo dục. Mặt khác, bạo lực với trẻ em vẫn là vấn đề nóng, cần chú ý bạo lực gia đình với trẻ em đang có xu hướng tăng và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đang được nghiên cứu sửa đổi... Đồng thời, mong muốn trong hoạt động phối hợp giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội với Unicef, Trung ương Đoàn được giao nhiệm vụ để cùng triển khai thực hiện, bởi Quốc hội là cơ quan lập pháp và có vai trò rất lớn trong việc giám sát thực hiện quyền trẻ em và các nội dung có liên quan đến quyền trẻ em ở các địa phương. Trung ương Đoàn đang đẩy mạnh việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em, nếu nội dung này được thực hiện tốt sẽ là khởi nguồn thực hiện tốt 25 nhóm quyền trong Luật Trẻ em...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu
Đánh giá cao về sự hợp tác, hỗ trợ của Unicef đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức có liên quan vì sự phát triển của trẻ em Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh kỳ vọng giai đoạn tới của dự án triển khai hiệu quả và mong hợp tác với Unicef trong nhiều lĩnh vực.
Nhất trí về mục tiêu, khung giải pháp trong Dự án giai đoạn 2022 - 2026, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề cần có sự tính toán hệ thống để sau đó có thể đánh giá rõ ràng; nội dung thực hiện trong dự án cần có độ mở nhất định giúp linh hoạt trong quá trình thực hiện. Dự án cần mời các đối tác như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam... tham gia để phát huy hiệu quả./.