Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014

31/03/2015

Ngày 31/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ đã làm việc với các Bộ, ngành để nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014. Phó chủ nhiệm Ủy ban Trịnh Ngọc Thạch và Lê Văn Học chủ trì hội nghị.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát nghe các Bộ, ngành trình bày báo cáo tình hình thực hiện các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014.

Các đại biểu cho rằng các chương trình, dự án ODA đã và đang đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng. Nguồn vốn ODA không chỉ giúp tăng cường về cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cho ngành Giáo dục mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo số liệu thống kê của các Bộ, ngành, sau 10 năm thực hiện, Việt Nam đã thu hút được 80 chương trình, dự án ODA cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề với tổng số vốn ODA ký kết đạt 1.766 triệu USD chiếm khoảng 3,5% ODA ký kết của cả nước. Lũy kế giải ngân các dự án ODA đang thực hiện đạt vào khoảng 41,31% số vốn ký kết (so với tỷ lệ giải ngân của cả nước là 47%). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện được 26 dự án, trong đó có 14 dự án đã kết thúc và 12 dự án đang triển khai; Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện được 12 dự án, trong đó có 7 dự án đã hoàn thành và 5 dự án đang được triển khai.

Hiện có 23 nhà tài trợ cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, gồm 18 nhà tài trợ song phương và 5 nhà tài trợ đa phương. Trong đó, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp là những nhà tài trợ chính cho các dự án ODA lớn ở Việt Nam: Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số vốn 242,5 triệu USD, Dự án xây dựng trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội với tổng số vốn 190 triệu USD, Dự án xây dựng trường Đại học Việt Đức với tổng số vốn 200,6 triệu USD…

Nhìn chung, các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014 đã thực hiện theo đúng mục tiêu đã đề ra và đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả, tính bền vững theo thiết kế ban đầu; góp phần không nhỏ trong việc phát triển nguồn nhân lực và thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển dạy nghề đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, nhiều dự án còn chậm được triển khai do năng lực quản lý dự án của một số địa phương còn yếu, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sự khác biệt về các quy định thủ tục của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư, thời gan thực hiện dự án dài nên thiết kế dự án ban đầu dễ trở nên lạc hậu…

Tại buổi làm việc, các Bộ, ngành cũng đã chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế, những vướng mắc và phương hướng khắc phục để quản lý, triển khai thực hiện hiệu quả hơn các dự án ODA trong thời gian tới. Các Bộ, ngành kiến nghị: Tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao năng lực quản lý dự án thông qua các khóa đào tạo; đẩy mạnh công tác điều phối các nguồn tài trợ, trao đổi thông tin với các nhà tài trợ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân; rút ngắn quy trình và thời gian gia hạn dự án; hoàn thiện hệ thống giám sát, đánh giá ODA và vốn vay ưu đãi ở các cấp.

Phát biểu kết thúc phiên họp, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trịnh Ngọc Thạch thông báo Đoàn sẽ chọn 5 địa phương để giám sát trong thời gian tới; cho rằng những đề xuất, kiến nghị từ các Bộ, ngành là những nội dung quan trọng cần được xem xét, thảo luận thêm. Đoàn đề nghị các Bộ, ngành cần có sự phối hợp để xây dựng một báo cáo chung chi tiết hơn về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các dự án ODA trong những lần thảo luận sau.

Nguyễn Phương

Các bài viết khác