Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng họp phiên toàn thể lần thứ 3

28/04/2017

Trong hai ngày 27 - 28/4, tại thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thảo luận và thông qua Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luât Du lịch (sửa đổi), cho ý kiến vào dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới. Ủy ban cũng xem xét và thông qua các báo cáo của Ủy ban từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp thứ 3, dự kiến đến hết năm 2017 và định hướng kế hoạch công tác năm 2018 gồm: Báo cáo kết quả hoạt động; báo cáo kết quả công tác xây dựng luật; báo cáo kết quả hoạt động giám sát và báo cáo giám sát tổng hợp của Ủy ban tại TP Hồ Chí Minh.

Sau hoạt động chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, tại Phiên họp lần này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục xem xét báo cáo và nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Kế hoạch triển khai giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam cũng như dự thảo Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Cho ý kiến về dự thảo, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá cao sự chuẩn bị  công phu, nhiều giải pháp nhằm khắc phục thực trạng, thúc đẩy đổi mới và phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng Đề án còn chậm so với kế hoạch đặt ra trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (yêu cầu ban hành Đề án vào năm 2015). Ngoài ra, Đề án chưa thể hiện rõ nét chiến lược đối với việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn trước mắt, trong trung hạn và tầm nhìn trong dài hạn. Do dự thảo Đề án chưa có cái nhìn tổng thể, bao quát toàn bộ hệ thống chính sách phát triển các trình độ đào tạo cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trước đây nên chưa có sự lý giải, phân tích sâu sắc về những nguyên nhân, thách thức hiện nay của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng những thay đổi của thị trường lao động cũng như của tiến bộ khoa học và công nghệ. Nhiều giải pháp trong dự thảo Đề án còn mang tính vi mô, chưa trở thành những định hướng chiến lược để có thể giải quyết tận gốc những nhược điểm mang tính hệ thống và cố hữu của giáo dục nghề nghiệp; ba giải pháp trọng tâm mang tính đột phá, đổi mới như dự thảo Đề án trình bày chưa mang tính thuyết phục cao để có thể đổi mới căn bản, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

(Theo ĐBND)

Các bài viết khác