Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

21/07/2017

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình nêu rõ, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở rất quan trọng và có ý nghĩa để hình thành nếp sống và các chuẩn mực đạo đức trong người dân, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để người dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Do vậy, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người còn tồn tại một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình hi vọng, với tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn, các vị đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hoá - xã hội của Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước về thực trạng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở sẽ tích cực thảo luận, có nhiều ý kiến phản ánh đúng thực trạng, nguyên nhân, từ đó có những kiến nghị cụ thể để cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong những năm qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo toàn diện, cụ thể, tạo nên bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực, góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng nếp sống văn hóa mới được triển khai rộng khắp trên cả nước. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn, phát huy thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Việc nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy lên và trở thành một phong trào phát triển rộng rãi trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân…

Nhìn chung, các văn bản pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã được ban hành tương đối đồng bộ, kịp thời, phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý các hoạt động văn hóa, cơ sở, góp phần quan trọng trong việc đề cao vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, do sự vận động, phát triển và phát sinh những vấn đề mới trong đời sống xã hội, nhiều văn bản pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập không còn phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay, trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mới chỉ có một số Nghị định điều chỉnh về lĩnh vực này, thiếu văn bản có giá trị pháp lý cao như Luật hay Pháp lệnh nên việc thể chế hóa quyền công dân về thụ hưởng giá trị văn hóa, tham gia xây dựng đời sống văn hóa, sử dụng cơ sở văn hóa còn hạn chế; các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; tính hệ thống chưa cao, chưa tạo được sự liên thông, hỗ trợ lẫn nhau giữa các mảng công việc cụ thể; nhiều quy định về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn… Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa, còn tồn tại tình trạng cùng quy định một vấn đề nhưng lại thể hiện rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Đa số các đại biểu tham dự đều cho rằng, để đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thì việc sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết.

Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này, cũng như giúp công tác quản lý nhà nước có hiệu quả hơn, cần phải nghiên cứu để xây dựng Luật hoặc Pháp lệnh về Môi trường văn hoá, Nghị định về lễ hội, Nghị định quy định về xét công nhận các danh hiệu văn hoá, Nghị định về hoạt động của thiết chế văn hoá, thể thao, Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử không kết nối mạng, Nghị định về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng và Nghị định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các hoạt động công cộng khác.

Cho rằng hạt nhân của xây dựng văn hóa cơ sở là yếu tố con người, các cá nhân trong từng gia đình, nhiều đại biểu đề nghị cần phải nâng nâng cao chất lượng công tác giáo dục văn hóa, giáo dục nhân cách trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ở từng cấp học, ngành học; coi trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của các địa phương gắn với việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Đề xuất giải pháp chiến lược về nguồn lực, Tiến sĩ Lương Thị Thu Hằng- Phó Tổng biên tập Tạp chí Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Nhà nước, Quốc hội cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa, huy động các nguồn lực, nhất là đối với nguồn lực khối tư nhân đầu tư, tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; nghiên cứu tích hợp các nguồn tài chính từ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác nhau tịa địa phương cho các hoạt động văn hoá đảm bảo chất lượng và tính bền vững. Bên cạnh đó, thiết kế các chương trình nghiên cứu đánh giá thực trạng thực hiện xây dựngđời sống văn hóa cơ sở tại tất cả các vùng trên toàn quốc; đồng thời, nghiên cứu dự báo, nhận định xu hướng và vai trò của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sởtrong chiến lược phát triển bền vững các vùng nông thôn Việt Nam đến năm 2050.

Hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục liên quan các nội dung vềthiết chế văn hóa cơ sở tại đô thị; các giải pháp cụ thể trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân các khu công nghiệp, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Nam Trung Bộ;việc xây dựng đời sống văn hoá trong học sinh, sinh viên; việc bảo tồn di sản văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; vấn đềcấp, quản lý và sử dụng kinh phí trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở…

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia. Những ý kiến này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nắm được tình hình của việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay; đồng thời là nền tảng để Ủy ban tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này một cách có hiệu quả trong thời gian tới.

Tin và Ảnh: Thu Phương

Các bài viết khác