TOẠ ĐÀM VỀ ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH VÀ XÃ HỘI HOÁ TRONG GIÁO DỤC

25/01/2018

Để chuẩn bị cho việc "thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học", sáng ngày 25/01, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã tổ chức và chủ trì Tọa đàm về "đầu tư, tài chính và xã hội hóa trong giáo dục".

Tham gia tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Hội Đồng dân tộc; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục, tài chính.

Cần đổi mới mạnh mẽ cơ cấu đầu tư

Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, quy mô giáo dục của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã tăng lên đáng kể; Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục đã được đầu tư nhiều hơn từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và nguồn vốn nước ngoài; Chính sách giáo dục, đào tạo ở Việt Nam thời gian qua đã được quan tâm, đổi mới, tạo ra nhiều kết quả quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước... Các đại biểu cũng chỉ rõ những vấn đề còn chưa hợp lý trong cơ cấu đầu tư cho giáo dục, đào tạo ở nước ta hiện nay, đặc biệt là cơ cấu chi cho các nhiệm vụ giữa các bậc học hay nội dung chi cho ngành nghề trong từng bậc học. Cụ thể, tỷ lệ chi thường xuyên chiếm đến trên 80% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo, trong đó chi cho con người chiếm đến khoảng 80% tổng chi; chỉ còn lại chưa đến 20% chi cho hoạt động dạy học, đào tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình. Theo các đại biểu, mức chi cho hoạt động này như vậy là quá thấp. Bên cạnh đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản trong hoạt động giáo dục, đào tạo chưa tương xứng so với nhu cầu dẫn đến việc nâng cấp thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm còn gặp nhiều khó khăn, gây hạn chế chất lượng dạy và học.

Để đầu tư có hiệu quả cho giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu khẳng định cần phải đầu tư đồng bộ cho ngành giáo dục, đồng thời đổi mới mạnh mẽ cơ cấu đầu tư, xây dựng đầu tư theo kế hoạch dài hạn, ngân sách trung hạn và ngân sách theo kết quả.

Theo Chuyên gia Kinh tế-Tài chính cao cấp, PGS.TS Đặng Văn Thanh, sản phẩm của nghề giáo dục, đào tạo là con người được đào tạo, có trí thức và kỹ năng. Do đó cần phải xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn cho giáo dục đào tạo trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, cần xác định và điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho giáo dục, đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Trước hết, cần phải đầu tư đổi mới chương trình, xây dựng mới giáo trình các môn học. Tiếp thu có chọn lọc các chương trình và giáo trìnhđào tạo, cũng như phương pháp dạy và học của các cấp học từ các nước có nền giáo dục hiện đại. Đầu tư có trọng tâm, ưu tiên, đặc biệt cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, có nhu cầu xã hội hạn chế, khả năng xã hội hóa không cao. Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học; điều chỉnh và đổi mới cơ cấu đầu tư đào tạo và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Để đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư, tài chính trong lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, Quốc hội cần tăng cường giám sát theo tinh thần của Luật Ngân sách nhà nước 2015. Theo Luật này, chi đầu tư và chi thường xuyên trong dự toán và quyết toán trình Quốc hội phải được tách ra thành 13 lĩnh vực trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Nhưng theo số liệu dự toán ngân sách nhà nước 2017 thì chi đầu tư phát triển vẫn chưa được tách ra 13 lĩnh vực theo như yêu cầu. Như vậy sẽ rất khó để Quốc hội giám sát tình hình chi đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. 

Làm rõ các thành tố vốn có thể tham gia xã hội hóa

Đối với vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, các đại biểu khẳng định: phát triển giáo dục, xây dựng một xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Trong đó, nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.

Nhưng để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự tham gia của các nhóm xã hội vào phát triển giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, nhằm xây dựng nên một xã hội học tập bền vững, các đại biểu cho rằng, cần làm rõ các thành tố vốn đầu tư trong xã hội hóa. Cụ thể, ngoài vốn tài chính và vốn sản xuất, cần đề cập và làm rõ các thành tố vốn con người (bao gồm sức khỏe, kiến thức, kỹ năng và động lực làm việc) và vốn xã hội (các mạng lưới, thiết chế, các hệ thống gắn kết và phát triển vốn con người trong mối quan hệ với các loại vốn khác) có thể đóng góp, đầu tư cho giáo dục.

Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Cộng đồng Thành phố Hà Giang Hoàng Diệu Thúy, hiện nay do chưa làm rõ các thành tố này của dòng vốn đầu tư nên các địa phương đều mặc định vốn đầu tư tài chính và sản xuất là dạng vốn duy nhất trong xã hội hóa. Những người làm ở cơ sở chỉ có thể bám vào Nghị định 15/2015NĐ-CP về Đầu tư theo hình thức Đối tác công tư, trong khi đó tất cả các hướng dẫn thực hiện trong Nghị định này cũng chưa đầy đủ nên các địa phương đều mặc định đưa về vốn đầu tư tài chính và sản xuất, dẫn đến nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục thời gian qua của tỉnh Hà Giang còn hạn chế. Do vậy, làm rõ các thành tố vốn đầu tư trong xã hội hóa là việc làm cần thiết để phát huy nguồn lực xã hội đầu tư, góp sức cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại tọa đàm

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cho rằng: cần tích cực phát triển giáo dục thường xuyên, bảo đảm chất lượng giáo dục thường xuyên tương đương với giáo dục chính quy; công bằng trong tuyển dụng người học ở hệ thống giáo dục chính quy và hệ thống giáo dục thường xuyên; huy động các trường trong hệ thống giáo dục chính quy phát triển giáo dục thường xuyên; tận dụng các nguồn thu tài chính từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho nhà trường, người học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thông qua cấp học bổng, hợp tác nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo là cũng là những giải pháp quan trọng để thực hiện xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Hàng năm, ngân sách nhà nước dành hàng trăm nghìn tỷ đồng cho  lĩnh vực giáo dục, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được dòng tiền đầu tư trong lĩnh vực này. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình khẳng định, những ý kiến góp ý tại tọa đàm hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cũng như tham mưu những chính sách giáo dục phù hợp cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Thu Phương

Các bài viết khác