KHẢO SÁT KHU DI TÍCH BỊ XÂM LẤN THUỘC QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

28/03/2018

Thực hiện chương trình khảo sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa làm trưởng đoàn đã đến thực địa tại một số khu vực di tích bị xâm lấn thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Đoàn công tác khảo sát thực địa tại khu vực có nhiều người dân “sống chung” với di tích

Theo thống kê chưa đầy đủ của Uỷ ban nhân dân thành phố Huế, đến nay có khoảng hơn 1200 hộ dân thuộc 4 phường nội thành là: Thuận Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành, Tây Lộc đang sinh sống trên khu vực Thượng thành thuộc hệ thống Kinh thành Huế. Với điều kiện sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, các hộ dân nơi đây đa phần thuộc hộ nghèo và cận nghèo, một số khu vực từng là điểm nóng về an ninh trật tự. Đây là vấn đề mang tính lịch sử, chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho công tác trùng tu và phát huy giá trị di sản.

Nhiều nhà trong khu vực di tích chi được cơi nới tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng

Để đẩy nhanh tiến độ di dời người dân tái định cư, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện cho tỉnh tiếp cận cơ chế đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, quỹ đất tái định cư cần được bố trí gần trung tâm thành phố Huế, qua đó giúp người dân không bị xáo trộn trong công ăn việc làm. Đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cần nghèo cần quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định, giúp họ yên tâm với cuộc sống tại nơi ở mới.

Đoàn khảo sát đã lắng nghe, tiếp nhận các kiến nghị của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Các kiến nghị sẽ được tập trung đánh giá, phân tích, thảo luận tại Hội nghị tham vấn chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản do Ủy ban Văn hóa Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức trong thời gian tới./.

Tiểu Bảo