HỘI NGHỊ THAM VẤN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT TRONG BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ CỐ ĐÔ HUẾ

30/03/2018

Sáng 30/3, tại thành phố Huế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về viẹc thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa  

phát biểu đề dẫn tại hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia....

Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh giá trị di sản văn hóa Huế không chỉ là của riêng Việt Nam mà còn là của toàn thể nhân loại. Việc bảo tồn, phát huy giá trị đó là cần thiết, qua đó làm giàu thêm bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước với quốc tế. Trải qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, hệ thống di sản Huế đến nay từng bước phục hồi, xứng đáng với vị thế của cố đô xưa của nước Việt Nam.

Để di sản Huế phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các đại biểu nhấn mạnh Quốc hội cần sớm nghiên cứu điều chỉnh về hệ thống pháp luật, chính sách. Trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, đặc biệt làđối với Quần thể di tích Cố đô Huế, bên cạnh việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, còn phải thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trong đó, một số quy định pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về bảo vệ môi trường còn có sự chồng chéo với pháp luật về di sản văn hóa, gây nên chậm trễ cho hoạt động thẩm định các dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế (được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt).

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về: Cơ chế đặc thù cho bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Huế; Những bất cập về cơ chế, chính sách trong sưu tầm và quản lý cổ vật; Việc công nhận và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; công tác bảo tồn và truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể ở Huế... Sau hội nghị này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời làm việc với Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn về chính sách, pháp luật, tạo cơ chế đặc thù cho di sản Huế./.

Tiểu Bảo