ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG LÀM VIỆC TẠI QUẢNG NGÃI

04/04/2018

Chiều 3/4, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch; thông tin - truyền thông; giáo dục - đào tạo; tín ngưỡng - tôn giáo; thanh niên và trẻ em.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đinh Thị Hồng Minh; Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đặng Ngọc Dũng; lãnh đạo các sở ngành và địa phương liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc

Sau khi làm việc với các Sở: Văn hoá, thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Sở Nội Vụ, Tỉnh Đoàn, huyện Nghĩa Hành và thành phố Quảng Ngãi, Đoàn Giám sát đã nêu ra những vấn đề cần làm rõ về việc thực hiện chính sách, phát luật trên các lĩnh vực giám sát. Đó là những giải pháp để bảo vệ, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là phát triển du lịch, lĩnh vực thể thao, vấn đề xã hội hóa các thiết chế văn hóa, trong đó việc phát huy giá trị của Bảo tàng tỉnh không được lạm dụng khi thực hiện xã hội hóa.

Đoàn cũng quan tâm vấn đề quản lý nhà nước đối với thanh niên, hiệu quả của các làng thanh niên lập nghiệp... Việc bố trí kinh phí phục vụ cho giáo dục - đào tạo ở các huyện, thành phố còn thấp chưa theo quy định, hầu hết vẫn còn dưới 20% nguồn thu ngân sách. Chưa thực hiện phân luồng cho học sinh THCS học nghề, vẫn còn 90% vào các trường THPT, trách nhiệm của ngành giáo dục trong xây dựng xã hội học tập còn hạn chế, nhiều Trung tâm học tập cộng đồng chưa phát huy hiệu quả.

Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ thông tin thêm về tiềm năng kinh tế của tỉnh; những khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi về hạ tầng, kết nối giao thông còn hạn chế, nguồn thu ngân sách phụ thuộc rất lớn vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất, năng lực điều hành của một số cán bộ còn hạn chế... Định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm đến là: Phát triển công nghiệp-xây dựng; nguồn nhân lực; hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Việc phát triển kinh tế tập trung vào lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch-dịch vụ, cải cách hành chính. Về lĩnh vực du lịch, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung quy hoạch phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch cộng đồng; xã hội hóa các thiết chế văn hóa.

Thay mặt đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa- thể thao và du lịch; thông tin- truyền thông; giáo dục- đào tạo; tín ngưỡng- tôn giáo; thanh niên và trẻ em, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Những vấn đề của tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Trước đó, vào sáng 02/4, Đoàn Giám sát đã có buổi làm việc với Sở VH-TT&DL về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực VH-TT&DL.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, từ năm 2015 đến nay, ngành đã tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật, các hướng dẫn thực hiện các nghị quyết trong lĩnh vực VH-TT&DL, gia đình. Đến nay, ngành đã sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa thông tin; tổ chức kiểm kê, xếp hạng, khoanh vùng cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm, lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 107 di tích được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ven biển, hải đảo và đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển du lịch phải gắn với công tác giữ gìn nguyên bản các di tích, tên địa danh, danh lam thắng cảnh… Các vấn đề kiến nghị của Sở VH-TT&DL, Đoàn sẽ tổng hợp trình lên các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Cũng trong sáng 02/4, Đoàn Giám sát đã làm việc với Sở GD&ĐT về kết quả thực hiện chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 671 trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, phổ thông và Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm DN-GDTX&HN. Những năm qua, công tác GD&ĐT ở miền núi của tỉnh có nhiều tiến bộ, góp phần tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng cao. Vùng dân tộc, miền núi của tỉnh đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Đã thành lập 17/28 trường phổ thông dân tộc bán trú... Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiến nghị, cần bảo lưu phụ cấp thâm niên cho viên chức các trường điều động về công tác tại Phòng GD&ĐT huyện, thành phố, Sở GD&ĐT; Bộ Nội vụ nhanh chóng thẩm định Đề án vị trí việc làm của các cơ sở giáo dục mầm non công lập để tỉnh triển khai, đảm bảo đủ giáo viên chăm sóc giáo dục trẻ…

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ngô Thị Minh đánh giá cao những kết quả trong thực hiện chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực GD&ĐT của Quảng Ngãi. Đợt giám sát này sẽ đánh giá lại chế độ, chính sách, xây dựng đội ngũ để từ đó có thể thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW./.

(Kim Ngân (TH))