ỦY BAN VĂN HÓA, GD, TN, TN VÀ NĐ LÀM VIỆC VỚI CÔNG TY CP ĐẦU TƯ XUẤT BẢN - THIẾT BỊ GIÁO DỤC VIỆT NAM

07/05/2018

Triển khai chương trình khảo sát chuyên đề của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017, sáng 07/5, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban do Phó chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với C.ty CP Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngô Trần Ái cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Nghị quyết 44 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Công ty đã Chuẩn bị đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa mới đầy đủ cho tất cả các môn học ở tất cả các lớp học và cấp học phổ thông. Hiện nay, Công ty đã mời và huy động được gần 230 tác giả của tất cả các môn học phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, gồm đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có năng lực, có uy tín từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái báo cáo trước Đoàn khảo sát

Đến nay, bản thảo sách giáo khoa mới của tác giả đã được biên soạn xong bộ sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) dựa trên cơ sở Chương trình tổng thể, ban hành và dự thảo Chương trình môn học để góp ý. 

Để việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được triển khai có hiệu quả, Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam đề xuất, việc biên soạn cần đảm bảo một số nguyên tắc chung, tổ chức và cá nhân có điều kiện đều có thể tham gia viết sách giáo khoa; tất cả các đơn vị, cá nhân viết sách giáo khoa phải đăng ký qua một nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách Giáo dục rồi phải qua Hội đồng thẩm định.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái phát biểu

Hội đồng thẩm định Quốc gia hoạt động phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ và công bằng. Thời gian thẩm định chỉ được kéo dài từ 01 đến 1,5 tháng đối với mỗi môn/lớp để đảm bảo thời gian thay sách. Sau thẩm định, Bộ lựa chọn một bộ sách hoặc một/vài môn học của các bộ sách khác nhau có chất lượng tốt nhất, trong số các bộ sách đạt chất lượng cho lưu hành, để làm bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trưởng Đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Đoàn khảo sát đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam; khẳng định, đội ngũ tác giả của Công ty là đội ngũ đông đảo và có uy tín cao. Trưởng Đoàn khảo sát- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho biết, qua những đề xuất, kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban sẽ xem xét để có những  điều chỉnh phù hợp. Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị đơn vị cần tiếp tục đầu tư chỉnh sửa, bổ sung dự thảo bộ sách giáo khoa mới vừa đảm bảo chất lượng theo Nghị quyết 88 của Quốc hội vừa giảm được giá thành sách cho người tiêu dùng. 

Sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát đã đến làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội.

Thu Phương – Trọng Quỳnh