ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ LÀM VIỆC VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG, SỞ CÔNG THƯƠNG TP. HÀ NỘI

09/05/2018

Tiếp tục chương trình khảo sát, sáng 09/5, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã có buổi làm việc với làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương Tp. Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn khảo sát của Ủy ban do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa làm trưởng đoàn. Cùng đi có Ủy viên Thường trực Ủy ban Phan Viết Lượng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa; đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Tuấn Tứ; đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Dương Minh Ánh cùng các thành viên Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Văn phòng Quốc hội.

Tiêu hủy số lượng lớn sách giáo khoa in lậu 

Theo Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội, giai đoạn qua, Sở đã tiến hành 264 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn (223 cơ sở in, 41 cơ sở phát hành xuất bản phẩm). Hầu như các cuộc thanh tra, kiểm tra này được tiến hành chung, không phân biệt riêng xuất bản phẩm là sách giáo khoa. Năm 2016, Thanh tra Sở tiếp nhận hồ sơ từ Công an thành phố Hà Nội chuyển sang và ban hành Quyết định tịch thu, tiêu hủy 52.706 xuất bản phẩm là sách giáo khoa in lậu đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Giáo dục Văn Hiến.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu

Về phía Sở Công thương, đại diện Sở cho biết, từ năm 2016 đến nay, các Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động in ấn sách; tiêu hủy 55.228 sản phẩm; tịch thu 08 máy in, máy phơi với tổng mức phạt là 742.000.000 đồng.

Khi báo chí đưa tin về sách lậu được phát hành ở một số trường học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra rà soát toàn bộ công tác cung cấp phát hành sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu và các ấn phẩm giáo dục khác. Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra xuống cơ sở để kiểm tra và xử lý cụ thể đã kiểm tra một số trường học tại huyện Thanh Trì, Đông Anh và quận Ba Đình… Tuy nhiên Đoàn kiểm tra chưa phát hiện những thông tin về sách lậu, sách sai nội dung, kém chất lượng tại các trường học.

Đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp liên ngành 

Từ số liệu kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các Sở, Đoàn khảo sát đánh giá, tình trạng in lậu sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP. Hà Nội còn đang diễn biến rất phức tạp, số lượnglớn xuất bản phẩm là sách giáo khoa in lậu, kém trách lượng vẫn đang được sản xuất đưa vào thị trường. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng  Phan Viết Lượng băn khoăn, sự phối hợp giữa các Sở và các ngành liên quan ở địa phương trong việc quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm vi phạm liên quan đến hoạt động in ấn sách, phát hành sách giáo khoa đã thực sự chặt chẽ hay chưa.

Trưởng Đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đề nghị các Sở cung cấp thêm thông tin về vướng mắc, khó khăn khi áp dụng các quy định pháp luật về lĩnh vực này tronng công tác phối hợp giữa các Sở để có những điểu chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Trưởng Đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng, in lậu, in nối bản sách giáo khoa là một vấn đề lớn cần sự phối hợp, vào cuộc của tất cả các cơ quan liên quan thực hiện một nhiệm vụ, mục tiêu chung. Do vậy, trong thời gian tới, đề nghị các Sở tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao nhất, góp phần đẩy lùi nạn in lậu sách ở nước ta. 

Tại buổi làm việc, các nội dung liên quan đến vấn đề độc quyền trong việc biên soạn, xuất bản, in, phát hành các loại sách giáo khoa giáo dục phổ thông; giá sách; nội dung sách giáo khoa cũng được Đoàn khảo sát quan tâm, yêu cầu đại diện các Sở tham gia giải trình, làm rõ.

Buổi chiều, Đoàn khảo sát làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Thu Phương - Trọng Quỳnh