TỌA ĐÀM "MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC & XÃ HỘI HỌC TẬP"

03/04/2019

Theo kế hoạch chuẩn bị xây dựng Báo cáo đánh giá kinh tế- xã hội trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, sáng ngày 03/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức cuộc Tọa đàm về môi trường giáo dục và xã hội học tập. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì Tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Môi trường giáo dục được hiểu bao gồm tất cả yếu tố về cơ sở vật chất, kỹ thuật, quan hệ xã hội và văn hóa của con người với hệ giá trị được xác lập trong cộng đồng, có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống học tập và rèn luyện của học sinh. Khi đề cập đến môi trường giáo dục, các đại biểu cho rằng chúng ta cần phải quan tâm đến cả 03 lĩnh vực của nó là gia đình, nhà trường và xã hội.

Thảo luận, hầu hết ý kiến các đại biểu đều nhất trí cho rằng, thời gian qua, giáo dục cũng như môi trường giáo dục ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên công tác bồi dưỡng giáo viên, tự chủ đại học và việc tổ chức thi cử vẫn gặp phải thách thức; thanh niên có biểu hiện thể hiện văn hóa ứng xử đi theo chiều hướng tiêu cực, thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa theo kịp sự phát triển… Bên cạnh đó, năm qua, tình trạng bạo lực học đường liên tiếp xảy ra. Dẫu là lỗi của thầy, lỗi của trò hay lỗi về phía phụ huynh thì cũng là nỗi đau chung của cả ngành giáo dục.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm

Để xây dựng được một môi trường giáo dục tốt trong thời gian tới, theo các đại biểu, nhà trường cần phải hoàn thiện hệ thống chuẩn mực của môi trường giáo dục nhà trường, rà soát xây dựng kế hoạch củng cố và hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên; nhạy bén tiếp nhận và phát huy những điều kiện thuận lợi để phát triển môi trường giáo dục, mạnh dạn và kịp thời đấu tranh loại bỏ mọi biểu hiện làm trở ngại sự phát triển môi trường giáo dục.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thật sự quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước những biến đổi to lớn của đất nước. Giới trẻ ngày nay đang sống trong thời kỳ bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Các em đã và đang chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và mặt tiêu cực từ môi trường kinh tế, xã hội. Vì vậy, các tổ chức, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm định hướng tạo môi trường thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Kịp thời biểu dương, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của thanh niên. Các đại biểu nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Thời gian tới, nhà nước cần có những chính sách để tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục thế hệ trẻ.

Thu Phương