NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO

09/04/2019

Để chuẩn bị xây dựng Báo cáo đánh giá kinh tế- xã hội trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, sáng ngày 09/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức cuộc Tọa đàm về nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì Tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.  

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu nhận định, nguồn lực phát triển văn hóa được hiểu là tổng hợp tất cả các yếu tố, quá trình (tự nhiên-xã hội, vật chất- tinh thần…) đã, đang và sẽ tạo ra năng lực, sức mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa của dân tộc. Việt Nam là quốc gia có các nguồn lực văn hóa dồi dào và nếu được khai thác, phát huy hợp lý sẽ trở thành sức mạnh bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Hầu hết ý kiến các đại biểu đều nhất trí cho rằng, thời gian qua, chính sách văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa, xã hội hóa hoạt động văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta đã góp phần khẳng định vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Nhờ đó, những giá trị tốt đẹp về lối sống, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới từng bước hình thành; kho tàng di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị; văn học, nghệ thuật được tạo điều kiện để phát triển…

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, mức đầu tư ngân sách cho văn hóa hiện nay còn thấp; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều điểm chưa phù hợp. Một số văn bản pháp luật về văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn… Để có thể thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa, xây dựng con người, theo nguyên Trường ban Tuyên giáo Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, cần coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững; cần gắn kết giữa nhiệm vụ kinh tế với nhiệm vụ phát triển văn hóa. Con người chính là nhân tố quyết định cho nguồn lực phát triển văn hóa.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Các đại biểu cho rằng, nguồn nhân lực phát triển văn hóa là nhân tố phát triển cho văn hóa. Mọi nguồn lực sẽ là vô nghĩa, vô tác dụng nếu không thông qua nguồn lực con người. Mọi nguồn lực khi khai thác đều có thể cạn kiệt, chỉ riêng có trí tuệ gắn với con người là vô tận không bao giờ lấy hết. Con người là nguồn lực duy nhất biết tư duy, có trí tuệ và ý chí. Và cũng chỉ có con người mới có thể gắn kết các nguồn lực khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng tác động vào quá trình phát triển xã hội trong đó có quá trình phát triển văn hóa.

Để xây dựng, phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển văn hóa một cách toàn diện trong thời gian tới, theo các đại biểu, chúng ta cần đầu tư lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về văn hóa; nâng cao hiệu quả kiến tạo, quản lý của chính quyền, hoàn thiện cơ chế chính sách; đầu tư cơ sở vật chất, vốn, con người, ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa… để toàn Đảng, toàn dân, các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị có trách nhiệm, quan tâm, chăm lo cho hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thật sự quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, văn hóa là sức mạnh mềm, tạo nền móng cho kinh tế phát triển. Do vậy, Nhà nước ta luôn coi trọng sự phát triển văn hóa, coi văn hóa là động lực của sự phát triển và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa. Những đề xuất, khuyến nghị của các đại biểu nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển văn hóa tại tọa đàm rất đáng để các nhà quản lý, các cơ quan hữu quan lưu tâm, nhằm đề xuất những giải pháp khả thi thúc đẩy phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng của thể thao Việt Nam hiện nay. Qua nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia trong ngành cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm khơi gợi và thúc đẩy phát triển thể thao nước nhà trong thời gian tới./.

Thu Phương