NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN CHO GIÁO DỤC

09/04/2019

Để chuẩn bị xây dựng Báo cáo đánh giá kinh tế- xã hội trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, chiều ngày 09/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức cuộc Tọa đàm về nguồn lực phát triển giáo dục. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì Tọa đàm.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tham dự tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.

Tại cuộc thảo luận, các đại biểu cho rằng, xã hội hóa giáo dục nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển giáo dục và đào tạo ở nước ta đã trở thành một chủ trương lớn, lâu dài và nhất quán, được quán triệt sâu sắc và triển khai rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và mọi đối tượng thành phần dân cư trong toàn xã hội. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho giáo dục trong thời gian qua đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, hiện nay nguồn lực thu hút đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với tiềm năng; mức độ huy động nguồn lực giữa các vùng, miền và giữa địa phương khác nhau. Một số địa phương, ngành giáo dục chưa được tham gia quản lý nguồn lực đầu tư cho giáo dục, sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ nên có nơi việc đầu tư chưa hiệu quả. Một số cơ chế chính sách đưa ra chưa phù hợp với thực tế nên khó thực hiện.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Để xây dựng, phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển giáo dục trong thời gian tới, theo các đại biểu, chúng ta cần tập trung rà soát cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế giám sát để triển khai nguồn lực, nguồn chi ngân sách cho giáo dục một cách hiệu quả.

Đại diện Bộ Tài Chính, PGS.TS Nguyễn Trường Giang cho biết, chúng ta luôn tham vọng một mức đầu tư lớn cho giáo dục, nhưng thực tế việc đầu tư tài chính cho lĩnh vực này lại đang được thực hiện một cách phân tán, dàn trải nên không đạt được kết quả như mong muốn. Do vậy, việc cần làm trước mắt là chúng ta cần nghiên cứu đề ra những giải pháp sao cho nguồn đầu tư, nguồn lực cho giáo dục ngày một lớn lên, cùng với đó là tận dụng, sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực, nguồn chi phân bổ cho giáo dục này một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất, thời gian tới chúng ta cần tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.

Cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo giai đoạn 2011- 2020 và phương hướng phát triển giáo dục, đào tạo giai đoạn 2021- 2030, kế hoạch 5 năm 2021- 2025 phục vụ Báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội sẽ trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Thu Phương