Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi làm việc
Luật Du lịch được Quốc hội thông qua ngày 19.6.2017 với 9 chương, 78 điều, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Với nhiều quy định mới, tiến bộ, Luật Du lịch 2017 được đánh giá là hành lang pháp lý vững chắc, tạo động lực cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ khi Luật Du lịch 2017 ra đời, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch tích cực, chủ động, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để du lịch Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. 11 Nghị định, Thông tư, Quyết định đã được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Du lịch 2017.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại buổi làm việc
Cho đến thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2 lần, tổng thu từ du lịch và lượng khách du lịch nội địa tăng hơn 1,7 lần. Năm 2018, du lịch Việt Nam phát triển đột phá, đón trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18.008.591 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2020 và quý I.2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Du lịch 2017 cũng có một số khó khăn, vướng mắc. Việc chưa xây dựng được Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia theo Khoản 2, Điều 29, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý mô hình khu du lịch quốc gia tại các địa phương. Luật Du lịch 2017 chưa điều chỉnh một số loại hình du lịch và mô hình kinh doanh lưu trú du lịch mới như mô hình kinh tế chia sẻ, farmstay (du lịch nông nghiệp)… nên đang bị bỏ ngỏ, không quản lý.
Việc tuyên truyền phổ biến nội dung pháp luật về Luật Du lịch 2017 mới được thực hiện ở cơ quan quản lý nhà nước. Tài liệu được đăng tải công khai trên mạng nhưng nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch chưa hiểu rõ và chưa biết đến Luật du lịch 2017 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê…
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng phát biểu
Đoàn giám sát ghi nhận sự chủ động, tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong triển khai thi hành Luật Du lịch 2017, và thực tế Luật Du lịch 2017 đã có tác động mạnh tới hoạt động du lịch cho đến trước năm 2020. Mặc dù Bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nhưng cần đánh giá thêm tác động của các văn bản này. Hiện Bộ còn nợ Nghị định quy định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, đề nghị khẩn trương hoàn thành.
Một vấn đề được nhiều thành viên Đoàn giám sát quan tâm là Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, được quy định tại Điều 70, 71, 72, Luật Du lịch 2017. Trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, có thể đây là lúc Quỹ phát huy vai trò của mình, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi. Tuy nhiên, do mô hình của Quỹ hoàn toàn mới và đặc thù, nên quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy đến cơ chế vận hành. Sau 3 năm, đến nay mới cơ bản hoàn thiện bộ máy của Quỹ. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tiến hành các công việc tiếp theo để đưa Quỹ vào hoạt động theo tiến độ được giao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh, Luật Du lịch 2017 có nhiều quy định mới, tiến bộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với hành lang pháp lý này, ngành du lịch phải tận dụng cơ hội, tăng cường phối hợp với các ngành khác làm tốt công tác quản lý trong lĩnh vực du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước./.