ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỂ ĐƯA NỀN GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN

23/08/2021

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Ủy ban sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt chủ trương, hướng tới mục tiêu nền giáo dục Việt Nam phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển giáo dục nước nhà.


Ngày 21/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 01 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nội dung cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW).

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng ấy, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng nói chung và tinh thần Nghị quyết 29 nói riêng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đối với giáo dục phổ thông, trong đó lấy đổi mới chương trình, sách giáo khoa là trọng tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được giao nhiệm vụ giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.


Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Về phía Chính phủ, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 88, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, phê duyệt một số đề án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông như: “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 và các quyết định, chỉ thị liên quan. Các Bộ, ngành trung ương theo thẩm quyền đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Có thể khẳng định, tinh thần triển khai Nghị quyết 88 trong gần 7 năm qua của Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương là rất khẩn trương, quyết liệt, thống nhất, từ chủ trương cho tới việc ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện.

Theo quy định của Nghị quyết 88, hằng năm Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội, do đó chúng tôi hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội  nghị tổng kết 01 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để có cơ sở báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới đây. Qua công tác tổ chức Hội nghị, các ý kiến góp ý, tham luận đang tập trung nhiều ở công tác quản lý của ngành. Ủy ban mong muốn có thêm các tổng kết, đánh giá về công tác chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua quá trình phối hợp, Ủy ban đánh giá cao công tác chuẩn bị Hội nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi được biết, thời gian qua, việc tổng kết một năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã được tổ chức tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống kỹ thuật để tổ chức Hội nghị trực tuyến đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo địa phương và các quý thầy cô ở các điểm cầu cũng rất đầy đủ và đặc biệt đã có 8 ý kiến phát biểu của địa phương, 3 ý kiến của các cơ quan của Bộ tại Hội nghị, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, trăn trở cùng các giải pháp thiết thực để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong những năm tới. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng và chất lượng của Hội nghị này.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Nghị quyết 88 giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Đây là mục tiêu lớn, và để đạt được cũng cần có sự quan tâm, đầu tư lớn. Báo cáo cùng các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã cho thấy, muốn thực hiện thành công mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì cần phải tiến hành đồng bộ các điều kiện bảo đảm về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường phổ thông. Qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88, Ủy ban nhận thấy quá trình triển khai có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Về thuận lợi: Trước hết đó là sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Định hướng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong Nghị quyết 88 của Quốc hội là rất rõ và đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ; sớm phê duyệt và cho triển khai các đề án nhằm bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất. Các địa phương đã lựa chọn đội ngũ giáo viên và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất chu đáo nhất để triển khai chương trình cho lớp 1.

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được hành lang pháp lý với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ biên soạn, thẩm định, phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các chương trình môn học và sách giáo khoa; cách làm cho thấy sự bài bản, chặt chẽ, rõ quy trình, tiêu chí, trách nhiệm. Ngoài ra, có được sự ủng hộ, tham gia tích cực của đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm về xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.


Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết 01 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về khó khăn, thách thức: So với các lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trước đây, lần này có nhiều điểm mới, cũng chính là điểm khó trong triển khai thực hiện.

Thứ nhất là sự thay đổi lớn trong xác định mục tiêu, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực.

Thứ hai là sự thay đổi lớn trong cách thức, quy trình triển khai thực hiện. Lần đầu tiên, chúng ta tiến hành xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa; lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, quy định mỗi môn học có một số sách giáo khoa… Vì chưa có trong tiền lệ, nên quá trình thực hiện khó tránh khỏi sự lúng túng trong cách tiếp cận, cách triển khai; đồng thời vừa làm vừa thuyết phục để tạo đồng thuận trong toàn ngành và trong xã hội (mỗi môn học có một số sách giáo khoa; thẩm quyền chọn sách giáo khoa…). Đó là lý do dẫn tới việc chậm tiến độ, thay đổi về cách thức thực hiện và Chính phủ đã phải trình xin ý kiến Quốc hội điều chỉnh (thay đổi lộ trình triển khai thực hiện, không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện, điều chỉnh thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa trong Luật Giáo dục 2019).

Thứ ba là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện trong điều kiện nguồn lực hạn chế; điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của việc tập huấn giáo viên và tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến… Đây là khó khăn lâu dài, nhất là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp.

Trên cơ sở đánh giá thận lợi, khó khăn của quá trình triển khai thực hiện, thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận lớn đối với những kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được.

Về chương trình: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Bộ chỉ đạo xây dựng trên cơ sở các hoạt động tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai chương trình hiện hành theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội. Theo đánh giá chung, với một quy trình bảo đảm tính khoa học và khả thi, Khung chương trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi tính ổn định cao trong một giai đoạn. Do đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa tới công tác kiểm tra, đánh giá, thẩm định chất lượng chương trình; nghiên cứu thêm các ý kiến của các nhà giáo, các chuyên gia giáo dục về thời lượng khung chương trình, đặc biệt ở bậc tiểu học (số lượng môn học; thời lượng của tiết học…); về cơ cấu chương trình của bậc trung học cơ sở; về việc dạy các môn tích hợp… để có những giải pháp định hướng kịp thời.

Bên cạnh xây dựng chương trình tốt, cần chú trọng phương pháp triển khai xuyên suốt trong quá trình giáo dục, nhất là việc quán triệt về các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh trong từng giai đoạn.

Mặt khác, để Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất, là cơ sở, căn cứ xây dựng sách giáo khoa bảo đảm chất lượng, đề nghị Bộ hằng năm đánh giá, tổng kết chương trình, rút ra những vấn đề mà thực tiễn đặt ra và báo cáo với Quốc hội theo quy định. Về quan điểm là cần giữ tính ổn định của chương trình, nhưng cần có nghiên cứu, rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc đánh giá định kỳ 5 năm, 10 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về sách giáo khoa: Có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các tổ chức, cá nhân trong quá trình biên soạn sách giáo khoa. Có nhiều mặt tích cực được đáng được ghi nhận. Việc đa dạng hóa các bộ sách đã tạo ra tính cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, Quốc hội và Ủy ban vẫn nhận được nhiều ý kiến góp ý của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh về chất lượng, giá cả, quy trình lựa chọn, phân phối, phát hành sách giáo khoa… Đây là những kiến nghị đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, tiếp thu, kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện. Cùng với khung chương trình tổng thể, sách giáo khoa cần phải có chất lượng tốt, tính ổn định cao để tránh lãng phí cho xã hội và cho từng gia đình. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao đối với Hội đồng thẩm định sách trước khi được phát hành.

Để triển khai năm học 2021-2022 đối với lớp 2, 6 và đối với các lớp còn lại theo lộ trình, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao đổi với tất cả các khâu, các quy trình liên quan tới việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học… Làm sao để có những sản phẩm sách giáo khoa chất lượng nhất; có được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và điều kiện dạy học tốt nhất cho công cuộc đổi mới giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của Nhân dân.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cam kết, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Ủy ban sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt chủ trương, hướng tới mục tiêu nền giáo dục Việt Nam phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển giáo dục nước nhà. Đồng thời, Ủy ban cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là trong chia sẻ, minh bạch thông tin để cùng hướng tới hiệu quả phối hợp tốt nhất./.

Bích Lan