Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự phiên làm việc trực tuyến có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo, chuyên viên Vụ Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bến Tre và đại diện lãnh đạo các sở, ngành các địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bến Tre đã báo cáo cụ thể về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19.
Theo đó, các địa phương đã có sự quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, có trình độ đào tạo đáp ứng nhiệm vụ, có nhận thức, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là yếu tố thuận lợi bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tp. Hồ Chí Minh và 2 tỉnh đã có các chính sách đặc thù của từng địa phương để giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên (Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp khắc phục như: điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; đào tạo văn bằng hai; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp; điều chuyển vị trí việc làm; giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm, bố trí kinh phí hỗ trợ, ưu tiên từng đối tượng...). Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục (Bến Tre: Hàng năm giao biên chế cho ngành giáo dục kịp thời; quan tâm tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tập huấn đội ngũ giáo viên đúng quy định).
Đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo
Một số chính sách đặc thù dành cho nhà giáo, chính sách phát triển giáo dục ngoài công lập cũng được các địa phương quan tâm: Tp. HCM có nhiều chế độ, chính sách đặc thù riêng của Thành phố hỗ trợ đội ngũ công chức, viên chức và người lao động công tác trong ngành giáo dục và đào tạo: hưởng thu nhập tăng thêm; chính sách cho giáo viên các trường mầm non, phổ thông dân lập, tư thục; các chính sách thu hút giáo viên mầm non, hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh. Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực từ xã hội vào đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Thành phố. Tỉnh Bình Dương có chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành Giáo dục và Đào tạo. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông do các cấp tỉnh Bến Tre ban hành cũng đầy đủ, kịp thời.
Về công tác triển khai triển khai dạy học trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đại diện Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đại đa số học sinh có đủ điều kiện và thiết bị theo học hình thức này nhưng vẫn còn một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để tiếp cận học tập như không có thiết bị. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã vận động, phối với các tổ chức, đơn vị quan tâm, chăm lo cho học sinh chưa có thiết bị học tập. Đồng thời, rà soát việc tiêm ngừa vắc xin cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có giải pháp hỗ trợ cho đội ngũ và học sinh đang cách ly, điều trị; chăm lo đời sống cho đội ngũ, nhất là những thầy cô giáo bị ảnh hưởng sức khỏe do nhiễm bệnh, ảnh hưởng tác động từ dịch bệnh…
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khó lường, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo ngành giáo dục, đào tạo xây dựng các phương án dạy học và dự thảo hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để xây dựng, triển khai kịp thời kế hoạch dạy - học năm học 2021-2022; Triển khai hình thức dạy - học trực tuyến từ tháng 9/2021 đến nay. Đồng thời, tận dụng đối đa khoảng “thời gian vàng” (khi dạy - học trực tiếp) để tổ chức, sắp xếp dạy - học thật sự hiệu quả. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng rất quan tâm trong việc hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh, thông qua phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh, đến nay tất cả các thiết bị hỗ trợ đã được trao đến các học sinh, việc học trực tuyến đã đi vào nề nếp.
Tại tỉnh Bến Tre, việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực: Các nhà trường, căn cứ theo chỉ đạo của ngành và tình hình thực tiễn của đơn vị địa phương đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến chủ động, phù hợp tình hình địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc chỉ đạo và tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến sát thực tiễn. Giáo viên và học sinh đã chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động học tập trên môi trường mạng, đảm bảo thực hiện tốt tiến độ chương trình quy định. Các tổ chuyên môn, giáo viên đã xây dựng nội dung dạy học theo chủ đề đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, nội dung bài dạy đảm bảo kiến thức trọng tâm với thời lượng phù hợp, không gây nặng nề quá tải đối với học sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học trực tuyến còn giúp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương cũng báo cáo về những khó khăn khi triển khai việc dạy học trực tuyến: Một số cán bộ quản lý chưa mạnh dạn thực hiện các giải pháp đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục của cấp học; chưa tự tin trong quá trình triển khai thực hiện những chủ trương đổi mới của ngành; chưa tạo động cơ, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên; một số trường còn nhiều điểm trường lẻ nên việc đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn gặp nhiều khó khăn; một số giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ còn hạn chế nên việc xử lý các tình huống còn lúng túng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến...
Thành viên Đoàn khảo sát phát biểu ý kiến
Qua thảo luận, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Tp.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Bến Tre đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức quán triệt, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo và địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành vừa thực hiện đúng các quy định về giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngành giáo dục cũng đã nỗ lực trong việc ứng phó kịp thời, chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, vừa giữ an toàn cho giáo viên và học sinh, vừa bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục trên tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng học”; nhiều giải pháp được thực hiện để hoạt động của các cơ sở giáo dục bảo đảm sự thích ứng, kịp thời. Đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa ngành Giáo dục với các sở Y tế, Thông tin truyền thông; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện để làm tốt công tác phòng chống dịch và duy trì hoạt động dạy học. Ngành giáo dục, đào tạp ở Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Bến Tre xây dựng các phương án dạy học, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để xây dựng, triển khai kịp thời kế hoạch dạy - học năm học 2021-2022; tùy theo lứa tuổi, các cấp học, bậc học để lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh và đặc điểm tâm lý, sức khỏe cho học sinh .
Đoàn khảo sát khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã cơ bản bảo đảm được các điều kiện cơ sở vật chất, trang bị thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông… cho các cơ sở giáo dục để hỗ trợ dạy và học trực tuyến. Việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên được quan tâm. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được triển khai tích cực để hỗ trợ cho học sinh nghèo có điều kiện tiếp cận học tập trực tuyến, đảm bảo công bằng trong giáo dục. Các địa phương đã chủ động chuẩn bị các kịch bản và điều kiện để triển khai hoạt động dạy học trong tình hình mới, sớm cho học sinh quay trở lại trường khi đủ điều kiện an toàn…
Việc tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục cho thấy các địa phương đã xác định việc đa dạng hoá các phương thức dạy học, tăng cường dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình không chỉ là giải pháp tình thế để ứng phó đại dịch COVID-19, mà đây chính là cơ hội để thúc đẩy nhanh mục tiêu triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, Đoàn khảo sát cũng chỉ ra, tình hình diễn biến dịch COVID-19 dù đã cơ bản được khống chế, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại. Do vậy, kế hoạch đưa học sinh trở lại trường tiếp tục là thách thức lớn đối với các địa phương, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng về các điều kiện bảo đảm (tiêm vắc xin, khử khuẩn, nâng cao ý thức cho học sinh, tổ chức dạy học an toàn…); các điều kiện dạy học trực tuyến ở các địa phương còn hạn chế: cùng lúc triển khai nhiều phần mềm dạy học trực tuyến, thiếu tính đồng bộ; nguồn học liệu số chưa bảo đảm, khó kiểm soát chất lượng, khó tra cứu sử dụng. Về phía giáo viên, còn lúng túng trong kỹ năng tra cứu học liệu, dạy học trực tuyến và quản lý lớp học trực tuyến. Về phía học sinh, thiết bị học trực tuyến vừa thiếu, vừa chưa đồng đều về chủng loại, chất lượng. Bên cạnh đó, là vấn đề hạ tầng Internet bị quá tải cục bộ, cước phí Internet 3G và 4G còn cao khi dạy học trực tuyến; công tác quản lý, tổ chức triển khai, phối hợp với gia đình trong dạy dạy học trực tuyến, dạy học trực tuyến ở một số nơi còn chưa hiệu quả.
Phân tích về những vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục, đào tạo trong thời gian tới, Đoàn khảo sát cho biết, hoạt động của các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hệ thống các trường tư thục (một số cơ sở giáo dục ngoài công lập ngưng hoạt động, giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc, chuyển đổi công việc; sĩ số học sinh biến động do làn sóng di cư về quê...). Dự báo có thể thiếu chỗ học, thiếu giáo viên. Hệ quả của đại dịch COVID-19 để lại rất nặng nề, trong đó có vấn đề sức khoẻ tâm thần của giáo viên và học sinh, nhất là những người trực tiếp mắc covid-19, hoặc mất người thân trong đại dịch. Tình trạng 1 số học sinh, trẻ em mầm non bị “mắc kẹt” tại các địa phương do thực hiện giãn cách khá nhiều…
Đoàn khảo sát đề nghị, trong thời gian tới, Tp.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bến Tre chuẩn bị các giải pháp nào để ngăn ngừa học sinh bỏ học, hỗ trợ cho nhóm học sinh bị sang chấn tâm lý, học sinh mồ côi do đại dịch; bảo đảm mặt bằng chất lượng học tập cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với số học sinh không có điều kiện học từ xa, học sinh bị kẹt do giãn cách (bảo đảm không tăng thu phí); giải pháp để khôi phục hoạt động cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm đủ giáo viên, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh, sinh viên, nhất là các cơ sở mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình.
Trưởng Đoàn khảo sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Trưởng Đoàn khảo sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận công tác chuẩn bị Báo cáo của các địa phương, mặc dù thời gian chuẩn bị gấp, tuy nhiên các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm, cung cấp cơ bản các thông tin, số liệu theo Đề cương khảo sát của Uỷ ban đề ra.
Chia sẻ khó khăn của Tp.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bến Tre về những ảnh hưởng nặng nề trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 vừa qua, trong đó, việc triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 là một thách thức lớn đối với chính quyền các cấp và ngành giáo dục, Trưởng Đoàn khảo sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong điều kiện khó khăn, Tp.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bến Tre đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ: vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội nói chung, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 nói riêng, cụ thể các địa phương đã đảm bảo được việc dạy và học cho giáo viên, học sinh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đổi mới giáo dục.
Trưởng Đoàn khảo sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của tại buổi làm việc Tp.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bến Tre tại buổi làm việc hôm nay, Đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo với Quốc hội trong thời gian tới, để có những đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan để giải quyết những vấn đề đặt ra của ngành giáo dục, đào tạo trong bối cảnh mới./.