KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Mai Hương Giang cho biết, công viên là nơi người dân vui chơi, giải trí và thư giãn, phục hồi sức khỏe, tái tạo sức lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; cũng là thời gian để gắn kết các thành viên trong gia đình, tập thể sau những giờ học tập, làm việc. Đến công viên, người dân được vận động, giao lưu cộng đồng và tận hướng không khí trong lành, mát mẻ của những bóng cây xanh.
Vào sáng sớm hay chiều tối, công viên thu hút đông người dân đến tập luyện, vui chơi, như câu lạc bộ tập dưỡng sinh của người cao tuổi, các nhóm tập cầu lông, đá cầu, aerobic… Nhiều bộ dụng cụ tập thể dục ngoài trời được lắp đặt tại công viên, vườn hoa đem lại hiệu quả như xà đơn, xà kép, máy đi bộ, lắc tay... Toàn bộ trang thiết bị này được tài trợ và sử dụng miễn phí. Ngoài ra, công viên còn có các khu vui chơi dành cho trẻ em…
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Mai Hương Giang
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Mai Hương Giang cũng chỉ ra một số hạn chế trong tổ chức hoạt động dịch vụ về văn hóa, vui chơi, giải trí tại công viên hiện nay. Cụ thể, các loại hình dịch vụ chưa đa dạng. Phần lớn dịch vụ vui chơi trong công viên là miễn phí, do đó việc nâng cấp, bổ sung, thay thế còn nhiều hạn chế, do phụ thuộc vào nguồn ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, một trong những nét đặc thù của công viên là ngoài trời, chịu tác động lớn của khí hậu và thời tiết, mùa đông quá lạnh, mùa hè quá nóng, khiến cho việc đi lại của người dân và tổ chức các hoạt động dịch vụ gặp trở ngại. Một bộ phận người dân ý thức giữ gìn vệ sinh chưa cao, gây mất mỹ quan…
Trong thời gian tới, Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội mong muốn có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, trong đó có công viên; bố trí ngân sách, quỹ đất để đầu tư xây dựng, hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp bảo đảm về yêu cầu kỹ thuật và công năng sử dụng; đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng…
Đặc biệt, đẩy nhanh thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về cải tạo, nâng cấp xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân và yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu
Đoàn khảo sát cho rằng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư xây dựng công viên, song thực tế số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn của các công viên chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu; hiệu quả khai thác thiết chế này cũng còn nhiều băn khoăn; mô hình tổ chức, quản lý, vận hành công viên, vườn hoa không thống nhất.
Đoàn khảo sát ghi nhận, Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tuy đã có nhiều cố gắng trong quản lý, duy trì, tôn tạo và xây dựng mới các công viên, vườn hoa, cây bóng mát… Song do quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công ty nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động, nhất là trong tổ chức dịch vụ trong các công viên (do đơn vị khác quản lý) hay xử lý các vi phạm (phải phối hợp với chính quyền địa phương)…
Đoàn khảo sát đề nghị thành phố Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch công viên, các thiết chế văn hóa trên địa bàn, trong đó có hệ thống công viên, vườn hoa, trên địa bàn. Đồng thời, quy hoạch đất cho công viên trong lâu dài, ưu tiên nguồn lực, có cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, khai thác. Quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống công viên hiện có bảo đảm đồng bộ trong quản lý, gắn kết các đơn vị liên quan…/.