PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO - CƠ HỘI ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN THỰC TRẠNG & ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ QUẢNG BÁ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT QUỐC GIA
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của cả nền văn hóa lên một giai đoạn mới, việc xây “đỉnh”- được hiểu là các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu, và đắp “nền”- được hiểu là đời sống văn hóa trên bình diện rộng có ý nghĩa rất quan trọng. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong những năm vừa qua, chúng ta nhận thấy sự quan tâm ngày càng nhiều hơn và sâu sắc hơn của toàn xã hội đối với văn hóa. Điều đó chứng minh, quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng và Nhà nước đã thu được những kết quả tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò nền tảng của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.
Ở bối cảnh đó, tôi nghĩ, thúc đẩy sự phát triển văn hóa lên một giai đoạn mới thì việc xây dựng “đỉnh cao” và đắp “nền” có vai trò và ý nghĩa quan trọng ngang nhau. Theo đó, “đỉnh cao” của văn hóa chính là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, có thể thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Xây dựng “đỉnh cao” văn hóa có vai trò quan trọng thông qua việc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là những biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa dân tộc.
Tôi cho rằng, xây dựng “đỉnh cao” văn hóa góp phần khẳng định và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng “đỉnh cao” cũng đồng nghĩa với việc tạo ra các giá trị văn hóa mới có giá trị. Những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu không chỉ là những giá trị được lưu giữ từ quá khứ mà còn được tạo mới trong hiện tại. Bên cạnh đó, xây dựng “đỉnh cao” văn hóa góp phần tạo ra những giá trị mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời kỳ mới. Ngoài ra, xây dựng “đỉnh cao để chứng minh văn hóa có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu có thể trở thành những sản phẩm văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trong khi đó, “nền” của văn hóa là đời sống văn hóa trên bình diện rộng, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, là nền tảng để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc bồi đắp “nền” văn hóa giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân được sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Đồng thời, môi trường văn hóa lành mạnh rất thuận lợi cho sự phát triển của nhân cách, đạo đức của con người và xã hội. Công việc bồi đắp “nền” văn hóa góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Như vậy, các công việc xây dựng “đỉnh cao” và bồi “nền” đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa. Hai nhiệm vụ này cần được thực hiện đồng bộ, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh tổng hợp để nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Với điều kiện đất nước còn đang hạn chế về nguồn lực như hiện nay, theo ông, để có thể thúc đẩy công cuộc chấn hưng văn hóa đạt hiệu quả, cần phải làm gì?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Với điều kiện đất nước vẫn đang hạn chế về nguồn lực như hiện nay, để có thể thúc đẩy chấn hưng văn hóa đạt hiệu quả, theo tôi, chúng ta cần phải làm tốt một số công việc sau:
Thứ nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công cuộc chấn hưng văn hóa. Trong các văn kiện, Đảng ta luôn nhấn mạnh: Văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Như vậy, để chấn hưng văn hóa, chúng ta cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Mỗi người dân cần có ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới phù hợp với yêu cầu của thời đại. Văn nghệ sĩ cần cống hiến, tâm huyết nhiều hơn trogn việc sáng tác ra các tác phẩm mới, xứng tầm thời đại và sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, lãnh đạo, đảng viên phải luôn là những tấm gương mẫu mực về văn hóa, đạo đức cho xã hội.
Thứ hai là xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa. Đây là công việc quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học, bài bản, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa cần được xác định dựa trên các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu tổng quát của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thứ ba là xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp phù hợp. Đây là nhân tố những quan trọng, tạo hành lang pháp lý và những điều kiện thuận lợi để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển văn hóa. Theo đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, khuyến khích sáng tạo và phát triển các hình thức, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mới có giá trị; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để tạo sự tự tin và tự hào cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong quá trình hội nhập quốc tế. Hay quan tâm đầy đủ hơn đến văn hóa số đang là xu hướng mới ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa trong thời gian sắp tới.
Thứ tư là tăng cường đầu tư cho văn hóa, coi đây là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần chú ý đầu tư có tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng và thế mạnh về văn hóa.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!