Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì tọa đàm
Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; đại diện Sở Y tế thành phố Hà Nội, một số cơ sở khám chữa bệnh các tỉnh/ thành phố, các chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm về lĩnh vực này.
Báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, đại diện Bộ Y tế cho biết, năm 2017 việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn trong công tác thu và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như: tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở các địa phương, ảnh hưởng đến công tác thu bảo hiểm y tế của toàn ngành và quyền lợi của người lao động; việc chuyển tiền bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ của cơ quan Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội tại một số tỉnh, thành phố chưa đúng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC.
Đại diện Bộ Y tế phát biểu tại tọa đàm
Về thực trạng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2017, nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; sự mất cân đối quỹ khám chữa bệnh bảo trong năm thì số tiền cần lấy từ nguồn dự phòng các năm trước là khá lớn. Đại diện Bảo hiểm xã hội cũng nêu rõ, với số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng năm như hiện nay thì dự kiến đến năm 2020 số dư từ dự phòng quỹ bảo hiểm y tế các năm trước không đủ để sử dụng, đồng thời mức cân đối ngày càng lớn, buộc phải nâng mức đóng bảo hiểm y tế. Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế bắt đầu xảy ra tại nhiều địa phương với mức độ lớn từ năm 2016 và tiếp tục trầm trọng hơn trong năm 2017 do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân như: Mức đóng bảo hiểm y tế thấp, quyền lợi chưa tương xứng với mức hưởng; do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BYT-BTC; phương thức và cơ chế thanh toán còn vướng mắc; thực hiện xã hội hóa trong các cơ sở y tế công lập còn chưa chặt chẽ…
Thảo luận tại buổi tọa đàm, đại điện một số cơ sở y tế như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh Viện Quốc tế Hải Phòng…và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong việc tạm ứng và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thực tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, về cơ bản cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện tạm ứng kinh phí cho cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế. tuy nhiên khi thực hiện quyết toán thanh toán thì xảy ra tình trạng cơ sở khám chữa bệnh phát sinh chi phí vượt quỹ, hoặc có nguyên nhân vượt trần, hoặc số liệu thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa thống nhất giữa hai bên thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thu lại số tiền đã tạm ứng trước đó, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, có đại biểu chỉ ra rằng, một trong các nhuyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối quỹ bảo hiểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật, vật y tế nhiều hơn mức cần thiết, chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật trong y học cổ truyền trong phục hồi chức năng; việc đấu thầu thuốc vẫn chưa được thực hiện nghiêm, công tác thẩm định và kiểm soát chưa được chặt chẽ.
Trên cơ sở nhận định được những tồn tại về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bào hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến danh mục, điều kiện, tỷ lệ thanh toán, mức thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế; đảm bảo ổn định nguồn thu quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ sở khám chữa bệnh nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tin học hóa trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; thông tin kịp thời các văn bản hướng dẫn liên quan đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đến các cơ sở khám chữa bệnh và đảm bảo thông tin này được thống nhất trong toàn quốc.
Toàn cảnh tọa đàm
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, đại diện một số cơ sở y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện việc tạm ứng và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quyết định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm y tế để các Bệnh viện có kinh phí thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt đến năm 2018 có thể tiến hành tự chủ thường xuyên.
Kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cảm ơn những ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban cũng nêu rõ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ thông tin kết quả giám sát tại các địa phương về thực trạng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế thời gian qua, đưa ra các kiến nghị cụ thể để bộ, ngành hoàn thiện thêm một số nội dung trong báo cáo. Đồng thời Ủy ban cũng tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để khắc phục những bất cập về tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.