ĐOÀN GIÁM SÁT ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH NGHỆ AN

19/02/2019

Thực hiện nghị quyết số 574 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập đoàn giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018, sáng ngày 19/02, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Nghệ An

Tỉnh Nghệ An có 39 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có số đông chủ yếu là: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Giai đoạn 2011 – 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,7%/ năm; tốc độ giảm nghèo đạt vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra (từ 2,5 – 3,0% năm). Số hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt trên 19.000 hộ/năm. Riêng 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) giảm từ 6 - 7%/năm (kế hoạch đề ra từ 4 – 5%/năm). Giai đoạn năm 2016 – 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm được 6,56%, bình quân giảm 2,18%/năm. Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn điều tra còn có những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc tại các cấp cơ sở xóm/bản/khối phố; xã/phường/thị trấn đó là: Tình trạng tách hộ, nhất là con cái tách bố mẹ già ra ở riêng, nhằm để được hộ nghèo còn nhiều. Một bộ phận hộ dân có tư tưởng không muốn thoát nghèo hoặc muốn được vào diện hộ nghèo để hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Mặc dù tỉ lệ hộ nghèo có giảm nhưng so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn khá cao.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi giám sát, các thành viên đề nghị UBND tỉnh Nghệ An làm rõ việc thực hiện 2 quyết định 1498 và 1722 về giảm nghèo bền vững, đặc biệt với quyết định 1722 đến thời điểm này đã có bao nhiêu huyện thoát khỏi diện 30A, những tiêu chí của quyết định này được UBND tỉnh thực hiện như thế nào? Đặt vấn đề sau 6 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các thành viên trong Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh Nghệ An làm rõ thêm những  tồn tại về thể chế, chính sách, tổ chức thực hiện; chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vào vùng dân tộc hay cần làm rõ về nguồn vốn cho các huyện 30A.  Một số thành viên trong Đoàn giám sát cho rằng, một thực tế hiện nay có nhiều công trình đầu tư dàn trải, kéo dài nhiều năm, vậy tỉnh Nghệ An có bao nhiêu công trình và nguồn vốn thực hiện là bao nhiêu? Bên cạnh đó, Đoàn cũng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An làm rõ các tiêu chí trong vấn đề xác định hộ nghèo đa chiều giai đoạn mới, đặc biệt nêu bật được những vấn đề bất cập trong tiêu chí xác định hộ nghèo đa chiều hiện nay.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Nghệ An trong thực hiện giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đánh giá cao tỉnh trong việc thực hiện tích hợp các văn bản hướng dẫn của Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của tỉnh mặc dù có giảm nhưng so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn khá cao, vẫn còn khoảng cách giàu nghèo giữa các huyện, xã, thôn, bản. Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Thúy Anh mong muốn tỉnh Nghệ An tiếp tục phấn đấu, lồng ghép các chính sách để đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thụ hưởng các thành quả của phát triển KT-XH như miền xuôi; đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo, vì một số huyện của tỉnh hiện vẫn còn tình trạng gia tăng hộ nghèo và cận nghèo qua các năm. Bên cạnh đó, tích cực lồng ghép các chính sách, pháp luật về giảm nghèo gắn với đối tượng, địa bàn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách. Đặc biệt cần đẩy mạnh thực hiện chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền từng đối tượng, tạo ra cơ chế để người dân không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân. Đồng thời cập nhật các văn bản chính sách mới, chỉ tiêu mới trong công tác giảm nghèo để người dân có thể nắm bắt thực hiện. Về vấn đề phân cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội yêu cầu tỉnh cần xem xét bố trí cho hợp lý xuống cấp huyện, cấp xã triển khai thuận lợi nhất để công tác giảm nghèo ngày càng đạt hiệu quả cao.

Đoàn giám sát của UBTVQH đến thăm và chúc mừng các bác sỹ, y tá và cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

+ Nhân dịp sắp kỷ niệm 64 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2019), Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đến thăm và chúc mừng các bác sỹ, y tá và cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đã gửi lẵng hoa tươi thắm cùng lời chúc sức khỏe tới lãnh đạo bệnh viện; đồng thời bày tỏ mong muốn các bác sỹ phát huy tinh thần, trách nhiệm “Thầy thuốc như mẹ hiền”, đem đến sự hài lòng cho nhân dân trong công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân.

 

Diệu Huyền - Trung Hiếu