Tham dự phiên giải trình còn có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan, Bộ, ngành hữu quan như Bộ Y tế, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục – Đào tạo, Giao thông – Vận tải, Kế hoạch – Đầu tư, Xây dựng…; đại diện Hội người cao tuổi Việt Nam, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, cùng các đại biểu Quốc hội.
Không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, thực hiện chương trình giám sát và công tác năm 2019, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể của Ủy ban lần thứ 14, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình.
Luật Người cao tuổi được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, Luật Người khuyết tật cũng được thông qua Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Hai luật này song hành cùng nhau đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế. Cùng với đó năm 2016, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, không bảo lưu bất cứ điều khoản nào. Trên cơ sở các văn bản này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14, tổ chức giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật
Cùng với quá trình phát triển của đất nước, các chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật ngày càng được bổ sung hoàn thiện, tiếp tục được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, người khuyết tật.
Bên cạnh các kết quả đạt được thì thực tiễn triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi, người khuyết tật thời gian qua cho thấy vẫn còn những khó khăn, thách thức như mức trợ cấp xã hội còn thấp, số người cao tuổi, người khuyết tật chưa được tiếp cận, tiếp cận chưa đầy đủ chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, việc làm, một bộ phận người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, nguồn lực thực hiện còn hạn chế, năng lực cán bộ thực hiện công tác trợ giúp xã hội còn hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện một số chính sách an sinh xã hội quan trọng.
Để thúc đẩy hơn nữa tiến trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của người cao tuổi, người khuyết tật, Ủy ban về các vấn đề Xã hội tổ chức phiên giải trình nhằm đánh giá trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương trong việc thực hiện trong công tác người cao tuổi, người khuyết tật. Qua đó có căn cứ và cơ sở thực tiễn nhằm điều chỉnh chính sách và tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với già hóa dân số và tình trạng khuyết tật gia tăng, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của đối tượng yếu thế nói chung và người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chia sẻ, phiên giải trình là diễn đàn mở với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích công khai minh bạch đến cử tri, nhân dân cả nước về thực trạng quản lý nhà nước trong công tác người cao tuổi, người khuyết tật, làm rõ hạn chế khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; hướng đến thống nhất về nhận thức, đồng thuận về giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật, từng bước tháo gỡ khó khăn và phòng ngừa và tiến tới gỡ bỏ các rào cản trên con đường bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền của người cao tuổi, người khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.
Hạn chế ở khâu tổ chức thực thi chính sách, pháp luật
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; đồng thời phản ánh một số thực tiễn phát hiện qua giám sát và đề nghị các bộ, ngành hữu quan giải trình làm rõ như đề xuất giảm độ tuổi người cao tuổi, mức trợ cấp đối với người cao tuổi còn thấp, chưa có chính sách hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp, tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh; thực trạng xác định mức độ khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi giao cho chính quyền cấp xã tổ chức thực hiện đặc biệt với nhóm khuyết tật về tâm thần, nguồn lực thực hiện hạn chế, phương pháp xác định thiếu chính xác; việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của người cao tuổi, người khuyết tất còn hạn chế; chưa thu hút được xã hội hóa xây dựng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi…
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến việc thực hiện chính sách cho người cao tuổi, người khuyết tật tiếp cận các công trình công cộng, tham gia hoạt động văn hóa, vấn đề đào tạo, giáo dục cho người khuyết tật, vấn đề bảo vệ người khuyết tật, trẻ em khuyết tật bị xâm hại, vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu các đại diện các bộ ngành giải trình làm rõ, nêu các giải pháp, phương hướng thực hiện trong thời gian tới.
Đồng cảm với những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành về trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật tương đối toàn diện từ luật đến văn bản dưới bao phủ tương đối tốt, song điều yếu nhất hiện nay là ở khâu tổ chức thực hiện đặc biệt là tại các cơ sở, xã phường, các cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phân tích, hạn chế chủ yếu là về nhận thức ở một số bộ phận chưa tốt, coi người khuyết tật là gánh nặng, coi là đối tượng để làm từ thiện – đây là những điều đáng lên án; công tác tổ chức thực hiện các chính sách hiện có chưa nghiêm; công tác thanh tra kiểm tra thời gian qua có được quan tâm chú ý nhưng chưa đúng mức, xử lý xử phạt vi phạm chưa nghiêm.
Do đó, Bộ xác định bảo đảm thực thi nghiêm minh chính sách, thực hiện đầy đủ, nhanh nhất kịp thời nhất đối với ng khuyết tật, người cao tuổi; nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong đó có một phần vai trò của cơ quan truyền thồng là rất quan trọng. Điều chỉnh một số chính sách đối với người cao tuổi như mức chuẩn, đối tượng; phân nhóm đối tượng người khuyết tật ở từng mức độ, từng cơ sở để có chính sách phù hợp.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ nghiên cứu để có những điều chỉnh bảo đảm phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ tốt hơn người cao tuổi, người khuyết tật, đặc biệt là những vấn đề căn cốt đã nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận phiên giải trình
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau một buổi làm việc trách nhiệm, tích cực của các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, phiên giải trình đã hoàn thành chương trình đề ra, qua đó làm rõ những vấn đề và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người cao tuổi, người khuyết tật.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày dự thảo kết luật phiên giải trình, 100% thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội tham gia phiên họp đã biểu quyết thông qua kết luận của phiên giải trình./.