Toàn cảnh cuộc họp
Tham dự cuộc họp còn có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc và một số Bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Báo cáo một số nội dung về việc thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trong 10 năm qua, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo một số nội dung
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách được ban hành mang tính đột phá như Luật Bảo hiểm xã hội (2014) quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con; tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ theo lộ trình như quy định của Bộ luật Lao động (2019). Nội dung bình đẳng giới đã được lồng ghép trong rất nhiều chiến lược, chương trình, chính sách được ban hành trong 10 năm qua như Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020; Chiến lược Dân số đến năm 2030…
Theo Thứ trưởng, kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có những việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới trong thập kỷ qua, bất chấp những biến động kinh tế - chính trị của khu vực và thế giới. Về giáo dục, tỉ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối. Về chăm sóc sức khoẻ, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: một số chỉ tiêu đặt ra quá cao, không có tính khả thi nên mặc dù các cấp, các ngành đã rất nỗ lực nhưng không thể đạt được. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương (nhất là người đứng đầu) còn chưa thực chất, chưa thật sự sát sao, chưa quan tâm đúng mức cho công tác bình đẳng giới tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời. Nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo còn gặp khó khăn trong việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật bình đẳng giới và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, một số giải pháp đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện; bên cạnh đó chưa có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chưa nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt cho ý kiến
Cho ý kiện tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu rõ, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 và được sửa đổi vào năm 2018. Trong giai đoạn 2011-2020, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống và trên trường quốc tế. Trong số 22 chi tiêu đã có, có 11 chi tiêu đạt mục tiêu đề ra; có 4 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra; có 5 chi tiêu chưa có số liệu; có 2 chỉ tiêu đạt mục tiêu một phần.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về bình đẳng giới đã được ban hành tương đối đầy đủ; đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới được kiện toàn, tập huấn, nâng cao năng lực; công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai toàn diện làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về vấn đề bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy công tác này ngày càng thực chất hơn.
Thảo luận tại cuộc họp, một số đại biểu chỉ ra rằng, nhiều vấn đề bình đẳng giới chỉ được phát hiện ở giai đoạn thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật chứ không phải từ giai đoạn lập đề nghị, xây dựng và soạn thảo. Vì vậy, nội dung này cần tiếp tục rà soát và đánh giá để có giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, một số chỉ tiêu chưa có số liệu rõ ràng; thực hiện bình đẳng giới thiếu tính bền vững và còn khoảng cách lớn giữa các khu vực, vùng miền, nhóm dân tộc, nhóm dân cư; việc thống kê về bình đẳng giới còn nhiều khó khăn. Qua đó, các đại biểu đề nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật cần quan tâm số lượng và chất lượng; cần đảm bảo tính chặt chẽ trong sự phối hợp thực hiện bình đẳng giới giữa các cơ quan, Bộ ngành, địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận một số nội dung
Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Tại tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ báo cáo về thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020, đồng thời tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 tới đây Ủy ban sẽ thẩm tra chính thức nội dung này. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị các Bộ, ngành có sự hợp tác chặt chẽ, cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Ủy ban quan tâm./.