THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ BHXH VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG QUỸ BHXH NĂM 2020

30/06/2021

Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 21, chiều 29/6, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nội dung về lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2000/NĐ-CP ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2021. Đồng thời, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Mặc dù, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiêm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện , chiếm hơn 29 % lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28- NQ/TW.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Hình thức tuyên truyền được đổi mới, tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo hướng đối thoại chính sách với người lao động và người sử dụng lao động, tọa đàm trực tuyến, trả lời qua cổng thông tin điện tử hoặc hòm thư công vụ để tăng hiệu quả tương tác giữa cơ quan nhà nước và đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách. Chỉ đạo cơ quan BHXH thực hiện đúng theo lộ trình thay thế số BHXH bằng thẻ BHXH thông qua việc triển khai ứng dụng VssID.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan báo cáo

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2000/NĐ-CP ngày 04/8/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Chỉ đạo cơ quan BHXH đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kết quả đã giảm được các đầu mối đơn vị biên chế trong toàn ngành.

Ngoài những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, ngành đã nhận ra những hạn chế, vướng mắc và kịp thời có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ để khắc phục những tồn tại trong thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Đưa ra ý kiến thẩm tra tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ, đồng thời chỉ ra rằng, Nghị quyết 21 ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định và nâng tầm chính sách bảo hiểm xã hội, trở thành trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sĩ Lợi đưa ra một số ý kiến thẩm tra

Tuy nhiên, thực tiễn còn những vấn đề cần quan tâm trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; tình trạng chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng và trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Một số ý kiến thành viên Ủy ban cũng nêu rõ, số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Phải chăng BHTN chưa thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị trường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của vấn đề này.

Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban đề nghị làm rõ tình hình hoạt động, quản lý của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp; tình hình phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuẩn hóa, đồng bộ về BHXH…

Có ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH, nâng cao hiệu quả đầu từ quỹ, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh kết luận nội dung làm việc

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã hoàn thành nội dung thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020 nói riêng và toàn bộ nội dung chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 21 nói chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh khẳng định những ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự giúp Ủy ban hoàn thành tốt báo cáo thẩm tra; còn nhiều vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Ủy ban sẽ tiếp tục quan tâm và làm rõ thêm. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị hữu quan khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung luật này trong thời gian tới./.

Hồ Hương- Minh Hùng

Các bài viết khác