ỦY BAN XÃ HỘI KHẢO SÁT TẠI CÀ MAU VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

19/08/2022

Chiều 19/8, bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cùng đoàn công tác có chuyến khảo sát tại tỉnh Cà Mau về chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới; tình hình thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật.


Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác quan tâm, trao đổi nhiều nội dung, xoay quanh các chỉ số thiếu hụt của từng chiều nghèo; việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình cả giai đoạn và hàng năm; tình hình huy động, phân bổ và sử dụng vốn, bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện chương trình; kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án; việc thực hiện các chính sách, tích hợp nguồn lực giữa 3 chương trình MTQG là giảm nghèo, xây dựng NTM và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau.

Theo báo cáo từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện, Cà Mau còn 9.604 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,14%; 6.943 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,27%; phấn đấu đến 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục thực hiện việc đảm nhận hỗ trợ giúp các hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Từ đầu năm đến nay, có 2.195 hộ được nhận giúp, trong đó có 1.050 hộ nghèo; huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng 290 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng (mỗi căn 50 triệu đồng).

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh gồm vốn đầu tư phát triển 36,876 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 25,268 tỷ đồng. Cà Mau đối ứng ngân sách tỉnh 10%, tương ứng 6,228 tỷ đồng. Tỉnh chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn của chương trình, bố trí và phân bổ vốn đầu tư cho các dự án được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai minh bạch và kịp thời.

Xoay quanh công tác giảm nghèo, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế bố trí tăng thêm mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cho các địa phương khu vực ĐBSCL - vùng ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu, trong đó có tỉnh Cà Mau, để có điều kiện thực hiện tốt hơn; kiến nghị Trung ương hỗ trợ nhiều hơn đối với các dự án kè tạo bãi trồng rừng chống sạt lở bờ biển và xây dựng các khu tái định cư giúp người dân sinh sống khu vực ven biển sớm có nhà ở cơ bản, ổn định cuộc sống.

Về thực hiện Luật bình đẳng giới và chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đến nay, tỉnh đã hình thành 692 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững; có 747 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 910 địa chỉ tin cậy, 260 đường dây nóng, 4 nhà tạm lánh... Cà Mau có tổng số 526/2.048 công chức nữ và 11.189/21.302 viên chức nữ, trong đó có 4 tiến sĩ, 107 thạc sĩ, 6.829 đại học, cao đẳng 1.280 người; trung cấp 1.395 người; sơ cấp 40 người. Tỉnh không có nữ lãnh đạo chủ chốt tại UBND cấp tỉnh, cấp huyện; cấp xã có 31 người, chiếm 30,69%, tăng 1,98% so với nhiệm kỳ trước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân yêu cầu, các sở, ngành hoàn chỉnh báo cáo theo đúng yêu cầu đặt ra của đoàn công tác, để phục vụ tốt nội dung chuyến làm việc của đoàn.

Theo đánh giá của đoàn công tác, so với một số tỉnh trong khu vực, tỷ lệ lãnh đạo nữ, cơ cấu nữ tham gia HĐND các cấp và cơ cấu nữ tham gia các cấp uỷ Đảng của Cà Mau còn thấp, đoàn yêu cầu làm rõ thêm nguyên nhân, để nâng dần tỷ lệ nữ ở các vị trí trên.

Toàn tỉnh Cà Mau có 122.226 người cao tuổi, trong đó người cao tuổi được khám, điều trị bệnh và được sự chăm sóc sức khoẻ tại gia đình và cộng đồng chiếm tỷ lệ 49,9%; người cao tuổi được tiếp nhận các thông tin, kiến thức bảo vệ sức khỏe để tự bảo vệ và tự chăm sóc chiếm 81%. Các chính sách người cao tuổi được lồng ghép thực hiện trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thành viên đoàn công tác đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Cà Mau trong thực hiện công tác giảm nghèo cũng như chính sách pháp luật về bình đẳng giới, về người cao tuổi, người khuyết tật…

Bà Nguyễn Thị Kim Thuý đề nghị, Ban thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm để huyện Ngọc Hiển sớm trở thành huyện nông thôn mới như mong muốn của Chủ tịch Quốc hội trong lần đến thăm huyện.

Trước đó đoàn công tác có chuyến khảo sát tại huyện Ngọc Hiển, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo trên 4,8%, cận nghèo 7%. Trong năm 2022, huyện đặt mục tiêu giảm hơn 200 hộ nghèo. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giảm nghèo còn chậm.

Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Phạm Chí Hải thông tin, huyện đang xây dựng đề án giảm nghèo. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, huyện phân công đảng bộ, chi bộ trực thuộc hỗ trợ hộ nghèo, trên cơ sở rà soát hoàn cảnh từng hộ nghèo để có hướng hỗ trợ theo nhu cầu.

Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển đề xuất, cần thay đổi nhận thức của người dân, tự giác phấn đấu vươn lên, chứ không trông chờ ỷ lại. Đồng thời, kiến nghị cần có chính sách phân bổ nguồn lực đặc thù cho huyện để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao hơn.

(Theo Báo điện tử Cà Mau)