ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA CÁC BÁO CÁO VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN THUỘC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI

15/09/2023

Sáng 15/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Xã hội thẩm tra các báo cáo về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

ỦY BAN XÃ HỘI TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10

Quang cảnh phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghiên cứu các báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2022; Báo cáo về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; thực hiện mục tiêu Chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2023…

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; Kế hoạch phát triển năm 2024 và và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trong xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Các đại biểu tại phiên họp

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Bộ đã thực hiện đầy đủ, chu đáo có chất lượng các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, đột xuất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chủ động thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân về các chính sách và giải pháp chỉ đạo, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng trước Quốc hội, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri. Kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra rằng vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế như chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập (khoảng 38,3 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động…). Tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số đối tượng nghiện ma túy lớn, song công tác xác định tình trạng nghiện ma túy còn gặp nhiều vướng mắc.

Công tác đấu tranh, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại dâm gặp nhiều khó khăn; người bán dâm thường hoạt động kín đáo, tinh vi, còn mặc cảm, tự ti về bản thân nên dẫn đến việc xác định đối tượng, nhu cầu, tiếp cận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ gặp nhiều khó khăn….

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong tại phiên họp

Sau khi nghiên cứu báo cáo, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong thay mặt Ủy ban Xã hội nêu lên một số vấn đề lớn cần tập trung thảo luận.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung phiên họp.

Hồ Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác