KẾT LUẬN CỦA PHIÊN GIẢI TRÌNH CẦN ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN, TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN

19/03/2024

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan khẳng định, việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ những vấn đề, vụ việc cụ thể có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội, từ đó tăng cường trách nhiệm giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 969 VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LAN TỎA NHẬN THỨC, CÁCH LÀM SÁNG TẠO, LÀM CHO VIỆC NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH THÀNH NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Tăng cường trách nhiệm giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 19/3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan khẳng định, việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ những vấn đề, vụ việc cụ thể có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội, từ đó tăng cường trách nhiệm giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Đồng thời nhấn mạnh, Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 là cơ sở quan trọng để thực hiện hoạt động giải trình một cách đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, qua đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động này.

Cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra trong Kế hoạch triển khai Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan khái quát kết quả thực hiện hoạt động giải trình Ủy ban đã thực hiện. Đến nay, Ủy ban đã tổ chức 16 phiên giải trình và 01 phiên phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng chủ trì. Các phiên giải trình đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp, có sự tham gia tích cực của các thành viên Ủy ban, sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì, tham gia giải trình và các bên có liên quan, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri.

Nhiều nội dung của phiên giải trình làm cơ sở để đưa vào quy định pháp luật, các quyết sách của Quốc hội

Việc tổ chức phiên giải trình của Ủy ban Xã hội đã góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực của Ủy ban phụ trách vào cuộc sống, nhiều nội dung của phiên giải trình đã làm cơ sở để đưa vào quy định pháp luật, các quyết sách của Quốc hội, hỗ trợ cho hoạt động giám sát, mang lại quyền, lợi ích hợp pháp, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nhấn mạnh, hoạt động giải trình của Ủy ban Xã hội đã góp thêm cơ sở thực tiễn cho việc luật hóa giải trình là một trong những hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Năm 2024, Ủy ban Xã hội dự kiến tổ chức hai Phiên giải trình, cụ thể:

(1) Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới nhằm đánh giá về tác hại, thực trạng sử dụng, đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, quản lý và xử lý vi phạm về thuốc lá mới. Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, từ đó, đưa ra kiến nghị, giải pháp để nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá nói chung, thuốc lá mới nói riêng và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong tình hình mới.

Toàn cảnh Hội nghị

(2) Phiên giải trình về điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong bối cảnh cải cách chính sách tiền lương nhằm xem xét toàn diện tác động của cải cách chính sách tiền lương tới việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, trong đó, có điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công và chuẩn trợ giúp xã hội. Đánh giá, dự báo khách quan, toàn diện; thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quan điểm trong Nghị quyết số 42-NQ/TW, các văn bản của Đảng có liên quan và Hiến pháp 2013; bảo đảm tương đồng, công bằng giữa chính sách trợ giúp xã hội sẽ được sửa đổi, bổ sung với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công phù hợp với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giải trình, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức hoạt động này các nhiệm kỳ qua và yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 969, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, Ủy ban Xã hội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15, trong đó: (i) thực hiện nghiêm quy định về thời gian đăng ký tổ chức phiên giải trình gửi Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, điều hòa, phối hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện; (ii) báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội trước khi tổ chức phiên giải trình và trong tổ chức phiên giải trình; (iii) tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Nghị quyết 969 về tổ chức giải trình; (iv) phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến nội dung giải trình.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ hai, việc lựa chọn nội dung giải trình phải bảo đảm tiêu chí gắn trực tiếp từ hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban Xã hội nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên trong thực tiễn xã hội được các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng, nội dung được lựa chọn giải trình phải được đánh giá, tổ chức giám sát, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu, chứng cứ… rõ ràng, thuyết phục. Xác định đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân phải giải trình, tham gia giải trình; lựa chọn thành phần tham dự phù hợp.

Bảo đảm sự tham gia tối đa của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (gọi là các bên có liên quan) trong quá trình chuẩn bị, tiến hành phiên giải trình. Sự tham gia có thể trực tiếp bằng phát biểu tại phiên giải trình hoặc bằng văn bản tham gia. Ngoài ra, cần chú ý mời đại diện Hội đồng nhân dân; Ban Văn hóa - xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh một số địa phương tham dự.

Thứ ba, tuân thủ đúng về trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động Phiên giải trình đã được quy định. Thống nhất nội quy, trình tự phiên giải trình, thời lượng tối đa cho từng hoạt động, thông báo trước cho đại biểu và được nêu vào đầu phiên giải trình.

Việc điều hành phiên giải trình đảm bào đúng trình tự, dân chủ, khoa học, linh hoạt, hợp lý, tập trung đúng nội dung để làm rõ các vấn đề tại phiên giải trình; bảo đảm việc tuân thủ thời gian (nhất là các phiên truyền hình trực tiếp). Chủ tọa phải nắm chắc nội dung giải trình, tập trung cao độ để kịp thời cập nhật dự thảo Kết luận và tiếp thu tại chỗ ý kiến của đại biểu khi thông qua Kết luận.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ tư, kết luận của phiên giải trình đánh giá khách quan thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm; nội dung vấn đề cần tiếp tục giải quyết sau phiên giải trình, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.

Dự thảo Kết luận của phiên giải trình được gửi cho thành viên Ủy ban và được tiếp thu, chỉnh lý ngay trong phiên giải trình và đọc thông qua toàn văn Kết luận.

Bên cạnh đó, cần phân công cụ thể việc theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kết luận của phiên giải trình.     

Thứ năm, sự tham gia của các thành viên Ủy ban từ khi đề xuất chương trình giám sát của Ủy ban cho năm sau, quá trình chuẩn bị cho phiên giải trình (tham gia kế hoạch phiên giải trình, góp ý bộ câu hỏi…); đặt câu hỏi, tranh luận trong phiên giải trình, tham gia vào dự thảo Kết luận (cho ý kiến ngay trong phiên giải trình), theo dõi, giám sát việc thực hiện Kết luận.

Thứ sáu, chú trọng các hoạt động bổ trợ cho phiên giải trình như nghiên cứu, thu thập thông tin số liệu, tổ chức các hoạt động chuyên gia (khoảng 2-3 phiên họp) để xây dựng nội dung, kế hoạch phiên giải trình; xây dựng bộ câu hỏi; đề nghị các bên liên quan báo cáo; chuẩn bị Kết luận…

Thứ bảy, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các nội dung tại phiên giải trình để cơ quan, tổ chức, liên quan, cử tri và Nhân dân được biết, theo dõi, giám sát. Đồng thời, hằng năm, cần có đánh giá tổng kết kịp thời để xuất những kiến nghị để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969-UBTVQH15./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng