TĂNG TỶ LỆ NỮ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ: CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

03/04/2024

Tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, cần giải pháp đột phá, hiệu quả hơn nữa để tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2023

Toàn cảnh phiên họp

Cần chỉ rõ nguyên nhân không đạt một số chỉ tiêu về bình đẳng giới

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy trình bày ý kiến đánh giá sơ bộ của Thường trực Ủy ban.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới. Các đại biểu cho rằng, năm 2023 là năm quan trọng, việc tổng kết hoạt động trong năm 2023 có ý nghĩa lớn, là tiền đề cho đánh giá tổng kết cả nhiệm kỳ, chuẩn bị cho việc xây dựng văn kiện, chủ trương, đường lối lâu dài cho giai đoạn sắp tới. Nhiều đại biểu kỳ vọng qua quá trình tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thể đề xuất ra những giải pháp khả thi, hiệu quả để thực hiện được các mục tiêu bình đẳng giới trong những năm tới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho rằng các chính sách về bình đẳng giới phải hướng về thực chất để đảm bảo thực hiện được các tiêu chí của bình đẳng giới; cần gia công hơn nữa về nội dung của báo cáo để đảm bảo bao quát được các nội dung đã thực hiện được. Ngoài những những nhóm chỉ tiêu lớn thì các chỉ tiêu, chỉ số phụ cũng cần được thể hiện cho rõ, đảm bảo tính khoa học, có những minh họa cụ thể để thấy rõ được sự phản ánh thực chất về vấn đề này.

Trên thực tế, việc phân nhóm các chỉ tiêu chỉ là một câu chuyện, còn vấn đề tổ chức thực hiện theo nhóm lĩnh vực, cụ thể hóa thành các chương trình hành động sẽ như thế nào? Đây là vấn đề mà các Bộ, ngành cần phải lưu tâm. Đồng thời phải phân tách rõ các chỉ tiêu, đối với các chỉ tiêu không đạt được thì cần làm rõ nguyên nhân để khắc phục nhưng tồn tại hạn chế, thu hẹp dần khoảng cách giữa chỉ tiêu và thực tế.

Các đại biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng, cần rà soát lại tất cả các chỉ tiêu, đối với các chỉ tiêu phụ, phải xem xét thực sự có cần thiết nữa hay không. Đối với chỉ tiêu không cần thiết thì có thể loại bỏ, bổ sung vào những chỉ tiêu cần thiết, khả thi, có thể đánh giá được.

Mong chờ giải pháp hiệu quả hơn để tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, dù đã có những thành công, nhưng việc đảm bảo bình đẳng giới vẫn còn nhiều thách thức. Đối với nội dung về đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực và cơ sở giới, trong năm 2023 có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình, trong đó có 3.240 vụ việc, bạo lực thân thể là hình thức bạo lực chủ yếu với 1.521 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế. So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nữ có chiều hướng giảm, ở chiều ngược lại, tỷ lệ nạn nhân là nam giới có xu hướng tăng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham gia ý kiến

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc tỷ lệ nạn nhân là nam giới tăng là một vấn đề đáng suy ngẫm. Cần xem xét kỹ các hoạt động bình đẳng giới, điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý. Đồng thời, đại biểu cũng bày tỏ quan ngại với tình hình bạo lực kinh tế đang tạo ra áp lực lớn đối với các nạn nhân, gây ra nhiều hệ lụy đối với gia đình và xã hội.

Có 3.288 người được hỗ trợ bằng các hình thức tư vấn, chăm sóc y tế, hỗ trợ cai nghiện rượu, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề. Chỉ tiêu đối với việc hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình đã đạt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 và 2030. Đại biểu cho rằng cần tiếp tục củng cố những kết quả hiện có, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nạn nhân bạo lực để có chỗ dựa tinh thần, có nơi bày tỏ, giải quyết khúc mắc để có thể vượt qua bạo lực gia đình.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề cập đến những giải pháp nhằm tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý, tuy nhiên, các nội dung này vẫn thiên về hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho lãnh đạo nữ. Đại biểu cho rằng, bên cạnh những giải pháp này, cần có những chỉ đạo, điều hành, cơ chế, phương pháp, giải pháp vĩ mô, để đưa nội dung này vào văn kiện của các địa phương, văn kiện đại hội Đảng, báo cáo kinh tế xã hội. Đây là điều nhiều cử tri cũng như các đại biểu đang mong chờ.

Các đại biểu cũng cho rằng, báo cáo về công tác bình đẳng giới đã ngày càng bám sát thực chất, cụ thể, khoa học, tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa rõ, chưa thể hiện cụ thể được những bước tiến so với các năm trước. Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ việc vận hành mô hình Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam để phát huy được vai trò trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, góp phần bình đẳng giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, nhờ đó, công tác này đã có nhiều điểm sáng trong thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã nêu tại phiên họp để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo, đảm bảo phản ánh được bức tranh toàn cảnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong năm 2023, đưa ra những đánh giá, phân tích và rút ra bài học một cách kỹ lưỡng, sâu sắc hơn nữa, đồng thời đưa ra những đề xuất, giải pháp khả thi, hiệu quả để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới trong thời gian tới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy trình bày ý kiến đánh giá sơ bộ của Thường trực Ủy ban

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên họp

Nhiều đại biểu kỳ vọng qua quá trình tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thể đề xuất ra những giải pháp khả thi, hiệu quả để thực hiện được các mục tiêu bình đẳng giới trong những năm tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã nêu tại phiên họp để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo, đảm bảo phản ánh được bức tranh toàn cảnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong năm 2023./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức