Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc
Theo Tờ trình của Bộ Y tế, Luật Dân số ra đời là rất cần thiết, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh dân số; tạo cơ sở pháp lý để giải quyết toàn diện công tác dân số, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển nhanh và bền vững. Các quy định trong dự thảo Luật Dân số chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Về nội dung cơ cấu dân số, dự thảo Luật đã đưa ra quy định để kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, để khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, đến năm 2030 tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/ 100 bé gái sinh ra sống, dự thảo Luật quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới dưới mọi hình thức; thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng hương ước, quy ước của cộng đồng, dòng tộc về bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ; tổ chức thực hiện hiệu quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có những quy định để phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, thích ứng với gìa hóa dân số. Cụ thể Điều 16, dự thảo Luật quy định các biện pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng bao gồm: thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi thế của cơ cấu dân số vàng, các biện pháp phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động; giáo dục, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện chương trình tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động theo các nhóm tuổi, trình độ chuyên môn, kỹ thuật; chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ nhằm tăng năng suất lao động, phát triển thị trường xuất khẩu lao động.
Toàn cảnh buổi làm việc
Về nội dung chất lượng dân số, dự thảo Luật quy định về tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng nhân thân và đảm bảo bí mật riêng tư, đồng thời tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Đồng thời dự thảo Luật cũng quy định về vấn đề tư vấn, tầm soát, chuẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện; phụ nữ mang thai chủ động, tự nguyện đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, tầm soát, chuẩn đoán trước sinh; cha mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình chủ động, tự nguyện cho trẻ sơ sinh tham gia các dịch vụ tầm soát, chuẩn đoán, điều trị các bệnh bẩm sinh.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dân số, dự thảo Luật cũng quy định về chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai là người dân tộc thiểu số trên cơ sở quy định một số giải pháp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nhằm loại bỏ việc đẻ tại nhà, đẻ không có người đỡ đẻ được đào tạo chuyên môn y tế chăm sóc; quản lý thai, khám thai, tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; Chính phủ quy định việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai là người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng có điều khoản về điều kiện đảm bảo thực hiện công tác dân số. Theo đó, cơ quan, tổ chức theo nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số, bao gồm cả quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.
Đại biểu thảo luận tại buổi làm việc
Thảo luận tại buổi làm việc, nhiều đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với cách thiết kế các quy định về cơ cấu, chất lượng dân số; tuy nhiên liên quan đến vấn đề kinh phí cho công tác dân số, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về nguồn vốn dành cho công tác dân số. Cụ thể, dự thảo Luật quy định công tác dân số do ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số, thực hiện các chương trình, dự án dân số, chăm sóc sức khỏe để nâng cao chất lượng dân số; thực hiện xã hội hóa công tác dân số, xây dựng cơ chế để cơ quan, tổ chức, các nhân tham gia công tác dân số được hưởng quyền, lợi ích từ công tác dân số nhưng lại không có điều khoản rõ ràng với các chương trình nào, dự án nào thì được dùng ngân sách; những nội dung nào thì thực hiện xã hội hóa…Do đó, các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ về vấn đề kinh phí trong dự thảo Luật bởi vì đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo có thực hiện thành công hay không các chương trình, mực tiêu dân số.
Ngoài ra, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Dân số, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát cụ thể về phần giải thích từ ngữ, một số khái niệm chưa được giải thích rõ ràng, gây mơ hồ về nghĩa trong dự thảo Luật; rà soát các quy định của dự thảo Luật trong toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để đảm bảo tính tương thích, sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật./.