THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

17/07/2018

Chiều 17/7, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tiến độ chuẩn bị dự án Bộ Luật Lao động(sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo về tiến độ và các nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 57/2018/ QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8(tháng 10/2019). Ngày 28/6/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 792/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án Luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trình Chính phủ vào tháng 1/2019.

Về tiến độ của dự án Luật, Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết , ngày 12/6/2018, Bộ đã có công văn gửi các Bộ, ngành, đoàn thể về việc sử dụng cán bộ  tham gia Ban soạn thảo, Tổ Biên tập; xác định những nội dung lớn của Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và định hướng sửa đổi. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã họp tham gia ý kiến về các nội dung của từng nhóm chế định về tiêu chuẩn, điều kiện lao động, quan hệ lao động như phạm vi điều chỉnh, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động và ác quan hệ khác liên quan trực tiến đến quan hệ lao động, quản lý nhà nước về lao động.

Ngoài ra, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung hoàn thiện các báo cáo trong hồ sơ xây dựng dự án luật; bổ sung báo cáo đánh giá tác động  đối với việc thành lập tổ chức đại diện người lao động trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi; cập nhật, hoàn thiện Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Bộ Luật Lao động; Báo cáo lồng ghép giới trong dự thảo Bộ Luật Lao động(sửa đổi)…

Toàn cảnh buổi làm việc

Xác định những nội dung lớn và định hướng sửa đổi

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Dự thảo Bộ Luật Lao động(sửa đổi) lần này định hướng sửa đổi các vấn đề sau: đảm bảo quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức bằng việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cho người lao động; mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về giờ làm thêm; đảm bảo tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu, các tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu; tiếp tục thể chế chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự chủ động cho người sử dụng lao động và người lao động. Ngoài ra, lần sửa đổi này, Bộ Luật Lao động sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu  nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tăng cường năng lực hoạt động của thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc bằng việc bổ sung thẩm quyền của cơ quan thanh tra lao động.

Bên cạnh đó, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng tập trung vào vấn đề nâng cao tính khả thi của Bộ Luật Lao động trong thực tiễn áp dụng bằng việc cụ thể hóa các điều luật về hợp đồng lao động, kỳ luật lao động-trách nhiệm vật chất, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thời giờ làm việc-thời giờ nghỉ ngơi, các tiêu chuẩn, điều kiện lao động như cưỡng bức lao động, phân biệt đối xử, lao động chưa thành niên, lao động cao tuổi, lao động nữ, lao động đặc thù…

Trên cơ sở Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đẩy nhanh tiến độ của Dự án Luật; đảm bảo đúng thời gian, nội dung đã định hướng sửa đổi; đặc biệt quan tâm đến tính khả thi để Dự thảo Luật đi vào cuộc sống.

Hồ Hương