Tham gia phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội.
Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho ý kiến về định hướng giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sĩ Lợi cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 đã có 170 ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và 26 ý kiến của đại biểu phát biểu tại hội trường. Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành rà soát, chỉnh lý 140 điều, khoản của dự thảo Bộ luật và bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc về kỹ thuật lập pháp, tính thống nhất.
Trao đổi về một số nội dung sửa đổi của dự án Bộ luật, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi nêu rõ, các nội dung lớn của dự án luật gồm phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; tiền lương làm thêm; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; vấn đề đình công; thẩm quyền tuyên bộ hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động.
Một số nội dung cụ thể khác như hợp đồng lao động và thử việc; phụ lục hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; về tiền lương; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động; giải quyết tranh chấp lao động.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, một số đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật đối với nhóm lao động khu vực phi chính thức (không có quan hệ lao động) do đây là nhóm chiếm tỷ trọng khá lớn trong lực lượng lao động ở nước ta.
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, đại diện Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho hay, để mở rộng diện bao phủ và nâng cao khả năng nhận diện về quan hệ lao động trên thực tiễn, dự thảo Bộ luật đã sửa đổi khái niệm người lao động và hợp đồng lao động.Theo đó, bất kỳ người lao động nào làm việc theo thảo thuận việc làm mà có đủ 3 dấu hiệu về công việc phải làm, tiền lương, có sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động thì dù được thể hiện bằng tên gọi hoặc hình thức hợp đồng nào, ở khu vực kinh tế chính thức hay phi chính thức cũng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp báo cáo tại phiên họp
Đối với người lao động tự do, tự tạo việc làm và tự tạo thu nhập thì tùy từng mối quan hệ mà được Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Đối với quy định trong Bộ luật Lao động thì chỉ có một số nội dung về tiêu chuẩn lao động là có thể áp dụng được đối với lao động không có quan hệ lao động, còn các nội dung khác về quan hệ lao động (hợp đồng lao động, đối thoại, thương lượng tập thể…) và tiêu chuẩn lao động khác (như thời giờ làm việc) là không thể áp dụng cho lao động tư do, những người buôn bán nhỏ không có quan hệ lao động.
Do đó, Ban soạn thảo dự thảo quy định “Chế độ lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, tổ chức xã hội khác, xã viên hợp tác xã và người lao động không có quan hệ lao động do các Luật khác quy định, tùy từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này”
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho biết, Ủy ban dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định việc mở rộng đối tượng áp dụng tại điều khoản thi hành của Bộ luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện lao động như an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội…nhằm bảo đảm tốt hơn về điều kiện, tiêu chuẩn lao động và phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành được tách ra từ Bộ luật Lao động cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá về việc thực hiện nội dung này của các Luật đã được tách ra từ Bộ luật Lao động hiện hành nhằm làm rõ hơn về tính tương thích khi mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật.
Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa gắn với tiền lương làm thêm giờ lũy tiến
Về mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng lên tối đa 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này đề phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi trao đổi về một số nội dung tiếp thu, giải trình của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Đối với nội dung này, Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ; quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150%-200%-300% so với làm việc vào giờ làm việc bình thường và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.
Tuy nhiên, qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhưng cần quy định về lương làm thêm giờ theo hướng lũy tiến. Phó Chủ tịch Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, nếu tăng giờ làm thêm phải gắn với tính lương làm thêm giờ lũy tiến, đồng thời đề xuất quy định trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương.
Các đại biểu cho rằng, việc quy định theo hướng này vừa nhẳm bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động cũng như để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán nếu thật sự cần thiết mới huy động làm thêm giờ.
Bên cạnh đó, tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số nội dung khác trong dự thảo Bộ luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung một số nội dung về an toàn vệ sinh lao động. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho rằng việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu mới tính đến tính chất nghề nghiệp, một số công việc mà chưa tính đến yếu tố địa bàn, đồng thời chưa tính đến sự thống nhất với các quy định về độ tuổi nghỉ hưu của lực lượng vũ trang trong Luật Công an nhân dân, Luật Quân đội nhân dân mà Quốc hội mới sửa đổi. Do đó đề nghị nghiên cứu thêm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ban soạn thảo sẽ có tổng hợp, nghiên cứu và có báo cáo Chính phủ để Chính phủ có quan điểm chính thức để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 này.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận phiên thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, phức tạp, đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật; đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý cho dự thảo Bộ luật. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp thì Ủy ban cũng sẽ có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.