Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Lê Tấn Dũng đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: chuyên gia một số tổ chức quốc tế, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Ủy ban Tư pháp; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND và các sở ngành liên quan của 20 tỉnh, thành phố khu vực miền bắc...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã thông báo chi tiết về 10 nội dung mới có lợi hơn đối với người lao động và 6 nội dung mới đối với người sử dụng lao động của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý; khẳng định, các nội dung này sẽ bảo đảm cho sự phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Lý giải rõ các quan điểm, tranh luận xoay quanh các nội dung mới của dự thảo Bộ luật, ông Bùi Sỹ Lợi cũng nêu rõ, lao động vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội và đặc biệt là có quan hệ mật thiết với dân số và bình đẳng giới. Các vấn đề về dân số cần được cân nhắc trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội dân số vàng, làm đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế phát triển; song song với đó là có cơ chế liên quan đến lao động nhằm thích ứng với tiến trình già hóa dân số đang ngày càng nhanh ở nước ta, bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật.
Toàn cảnh Hội thảo
“Là cơ quan được QH giao phụ trách lĩnh vực xã hội, lao động, dân số, y tế, Ủy ban Về các vấn đề xã hội mong muốn các dự án luật về các lĩnh vực này bên cạnh việc bảo đảmđược các nguyên tắc pháp lý và tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần phải quan tâm đầy đủ đến sự phù hợp giữa các quy định pháp luật với các yếu tố xã hội, văn hóa trong quá trình xây dựng để bảo đảm tính khả thi khi được ban hành”, ông Lợi nói.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã tập trung thảo luận, xem xét, đánh giá dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ góc nhìn của các vấn đề dân số; nghe báo cáo về: một số kết quả chủ yếu của điều tra lao động, việc làm 3 quý đầu năm 2019 và giai đoạn 2013-2018; các xu hướng dịch chuyển trong thị trường lao động Việt Nam; cơ hội dân số vàng ở Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; kinh nghiệm của Nhật Bản trong chính sách hướng tới cân bằng lao động – cuộc sống trong bối cảnh thay đổi nhân khẩu học; già hóa dân số, lao động, việc làm và một số hàm ý đối với dự án Bộ luật; quy định về tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật nhằm thích ứng với vấn đề già hóa dân số và bảo đảm an sinh xã hội.