BẢO ĐẢM KHÁM CHỮA BỆNH THEO QUY ĐỊNH TRONG DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

28/02/2020

Chiều 28/02, tại Trụ sở của Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm chuyên gia về các biện pháp bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh quy định trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đến dự Tọa đàm còn có các lãnh đạo ở các Vụ, Viện, chuyên gia của Bộ Y tế; đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Đây là buổi họp thứ 2, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lấy ý kiến chuyên gia thảo luận cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), gồm 9 chương, 127 điều; nhấn mạnh đến việc cung ứng dịch y tế và bệnh nhân sử dụng dịch vụ cũng như chi tài chính cho việc khám, chữa bệnh nên phải được nghiên cứu kỹ để xem có đúng phạm vi điều chỉnh không? Hệ thống y tế phát triển rộng khắp và gần với dân thì cũng phải tính toán kỹ để người dân được hưởng dịch vụ y tế tốt và thuận lợi nhất.

Còn về vấn đề tự chủ y tế phải cũng  được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo cho các bệnh viện hoạt động hiệu quả, giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước nhưng người dân vẫn phải được quan tâm. Hạn chế những tiêu cực tác động kinh tế thị trường. Đối với công tác xã hội hóa trong khám chữa bệnh phải tính đến công bằng giữa các tầng lớp nhân dân được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất.


 Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Trình bày Quy định về các điều kiện bảo đảm công tác khám chữa bệnh trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) lưu ý những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh với 2 phương án đề ra.

Phương án 1 được thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định. Theo đó, Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không bảo hiểm y tế. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Phương án 2 được thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Theo phương án này thì Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của toàn quốc; Quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không bảo hiểm y tế. Căn cứ khung giá, Bộ Y tế quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với đơn vị trực thuộc và bộ ngành.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không bảo hiểm y tế đối với đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.


Bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu.

Theo bà Trần Thị Trang, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo 2 phương án trên đều được nghiên cứu kỹ lương và nhận được ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, chọn phương án nào để triển khai trong thực tiễn vẫn rất cần nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia y tế để đưa vào Dự án Luật Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình lên cơ quan xem xét. Luật Bảo hiểm Y tế cũng cần có thêm giải pháp tài chính nhằm hạn chế tình trạng vượt tuyến không cần thiết

Đề cập hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bà Trần Thị Mai Oanh- Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), cho rằng: Đa số các nước đều có sự kiểm soát để tránh tình trạng người bệnh tự vượt tuyến không cần thiết từ tuyến chăm sóc ban đầu lên bệnh viện tuyến trên bằng các hình thức khác nhau. Đó là áp dụng cơ chế chuyển tuyến, trong đó tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng vai trò là “người gác cổng” và người bệnh bắt buộc phải qua tuyến chăm sóc ban đầu. Nếu bệnh nhân không qua tuyến cơ sở ban đầu thì sẽ phải trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Ngoài ra còn áp dụng cơ chế tài chính để hạn chế vượt tuyến: đồng chi trả cao hơn hoặc phải chi trả toàn bộ nếu vượt tuyến

Ở Singapore, bệnh nhân đến bệnh viện sẽ phải trả toàn bộ chi phí cho khám chữa bệnh ngoại trú. Tại Pháp, bệnh nhân tự vượt tuyến phải đồng chi trả thêm 30-70% tùy loại dịch vụ. Tại một số quốc gia như: Nhật Bản, Phillipine và một số nước châu Âu, bệnh nhân có quyền tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Bằng chứng về không hiệu quả do nhập viện không cần thiết hoặc tỷ lệ khám chữa bệnh chuyên khoa quá cao không cần thiết.

Khuyến nghị cho Việt Nam khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bà Trần Thị Mai Oanh cho rằng: Việt Nam có thể thực hiện tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật (theo Nghị quyết 20-NQ/TW). Việc xác định các tuyến chuyên môn kỹ thuật theo 3 cấp chuyên môn phải được quy định rõ trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Từng tuyến chuyên môn kỹ thuật phải quy định rõ gồm loại hình cơ sở y tế nào gắn với các cơ sở y tế thuộc các tuyến như hiện nay: tuyến khám bệnh, chữa bệnh cấp 1 chỉ gồm các cơ sở y tế tuyến xã hay bao gồm cả huyện.                      

Với từng tuyến chăm sóc này, phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ và phạm vi cung ứng dịch vụ của từng tuyến và quy định rõ việc không được thực hiện các dịch vụ thuộc phạm vi chuyên môn của tuyến trên

Bà Trần Thị Mai Oanh cũng lưu ý cần phải có quy định trong Luật Bảo hiểm Y tế về các giải pháp tài chính nhằm hạn chế tình trạng vượt tuyến không cần thiết; đảm bảo việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật này có ý nghĩa là có sự điều tiết về cung ứng dịch vụ trong toàn hệ thống.


Bà Trần Thị Mai Oanh- Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) nêu ý kiến tại Tọa đàm.

Cũng tại Tọa đàm, bà Caryn Bredenkamp - đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã đề cập thực trạng nguồn lực và hiệu quả sử dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như những góp ý đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo bà Caryn Bredenkamp, Việt Nam đang đối mặt với áp lực yêu cầu dịch vụ y tế ngày càng tốt, càng nhiều và kèm theo là sự gia tăng chi tiêu cho y tế. Kỳ vọng của người dân về dịch vụ y tế tốt ngày càng cao. Việt Nam đã huy động nguồn tài chính trong nước đáng kể để đáp ứng nhu cầu Chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ chi công cho y tế trong tổng chi công ở Việt Nam vẫn cao so với các nước thu nhập trung bình và thấp trong vùng và toàn cầu

Tuy nhiên, Việt Nam không có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng chi công cho y tế trong tương lai. Phân tích của Ngân hàng Thế giới về dư địa tài chính cho thấy tiềm năng huy động thêm nguồn tài chính cho y tế từ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức “trung bình”, từ các nguồn khác (viện trợ nước ngoài, bảo hiểm y tế, thuế tiêu thụ đặc biệt) ở mức “thấp” và từ việc tăng mức độ ưu tiên của y tế trong chi tiêu của chính phủ cũng “thấp”.

Với những yếu tố trên, bà Caryn Bredenkamp nêu khuyến nghị: Việt Nam không những cần tăng hiệu suất y tế mà còn cần chú ý đến công bằng y tế và bảo vệ tài chính. Bên cạnh đó cần tăng cường hiệu suất và công bằng trong chi tiêu cho y tế phụ thuộc chủ yếu vào can thiệp chính sách tại bệnh viện.

Điều 112 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phân biệt yêu cầu của người bệnh (ví dụ phòng riêng mà bệnh viện có quyền thu thêm theo luật) từ các dịch vụ do bác sĩ yêu cầu ngoài gói bảo hiểm y tế mà cơ sở y tế bị cấm không được thu thêm (theo Luật).


Bà Caryn Bredenkamp - đại diện ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (thứ 4 từ trái sang) góp ý cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần quy định trách nhiệm pháp lý về mã hóa lâm sàng chính xác. Các mã lâm sàng là cơ sở để phân loại người bệnh và chi trả trong hệ thống thanh toán theo nhóm chẩn đoán. Việt Nam có thể định hướng đổi mới tài chính y tế như chuyển sang thanh toán dịch vụ y tế theo nhóm chẩn đoán đối với dịch vụ nội trú tại bệnh viện.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá cao các ý kiến và đề nghị các chuyên gia cần góp ý thêm đối với điều 112, điều 116, điều 118 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đồng thời cần nghiên cứu kỹ đối với việc thanh toán dịch vụ y tế theo nhóm chẩn đoán. Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia để Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội hoàn thiện báo cáo trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong Phiên họp thứ 43 tới./.

Bích Lan