Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công thương; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao; một số Bộ, ngành, đơn vị hữu quan.
Đối với nội dung thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), trình bày Tờ trình Dự án Luật, đại diện Cơ quan soạn thảo- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hiệu lực kể từ 01/7/2007. Qua tổng kết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, một số quy định phát sinh các vướng mắc như: điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (quy định điều kiện doanh nghiệp đáp ứng phương án về cán bộ, cơ sở vật chất khi cấp giấy phép, điều kiện về tài chính chưa đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh, điều kiện về người lãnh đạo điều hành còn mở và không hoàn toàn phù hợp); quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế; Luật hiện hành quy định các tổ chức sự nghiệp được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng mới chỉ giới hạn là các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ, ngành, chưa quy định các tổ chức sự nghiệp thuộc các địa phương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận của địa phương. Đồng thời một số quy định của Luật chưa đảm bảo sự đồng bộ với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây; chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc họp
Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mục tiêu tổng quát của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Văn kiện Đại hội Đảng cũng như các Chỉ thị của Bộ Chính trị, theo đó hoạt động người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình một số vấn đề
Căn cứ vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã trình và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 11/6/2019, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có những sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây: Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung liên quan đến chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cho ý kiến về Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu rõ, Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định và thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, về nội dung và chất lượng của Hồ sơ cần được quan tâm, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan; thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban và tiếp tục lấy ý kiến của các doanh nghiệp, người lao động để bảo đảm đầy đủ thông tin, cơ sở để đánh giá toàn diện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi đưa ra một số ý kiến thẩm tra sơ bộ
Đối với nội dung về các các báo cáo về đề nghị Quốc hội quyết định gia nhập Công ước 105 của ILO, phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, tại cuộc họp, đại diện Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Công ước đã được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao độg cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến ngày 05/02/2020, trên thế giới đã có 173/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội. Còn về nội dung cam kết lao động trong EVFTA, vấn đề lao động chỉ được đề cập trong Hiệp định EVFTA mà không được đề cập trong Hiệp định EVIPA, cụ thể như sau: Hiệp định EVFTA không có chương riêng về lao động. Các cam kết về lao động nằm trong Chương 13 của Hiệp định với tiêu đề “ Thương mại và phát triển bền vững”, trong đó bao gồm những cam kết về lao động và môi trường mà được cho là có ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại và việc thực hiện những cam kết về lao động và môi trường này là để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nội dung cốt lõi của cam kết lao động trong EVFTA ( Điều 13.4 ) là tương tự như trong Hiệp định CPTPP, đó là việc “tôn trọng, thúc đẩy và thực thi có hiệu quả” bốn tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế ILO về Những nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh làm rõ một số nội dung
Về nội dung này, đại diện Bộ Công thương cũng nêu rõ, so với WTO và các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết ( không tính đến Hiệp định CPTPP ), các cam kết trong một số lĩnh vực của EVFTA có mức độ cam kết cao hơn và phạm vi cũng rộng hơn, giúp đem lại những cơ hội lớn hơn cho việc phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU theo hướng toàn diện , bền vững và sâu sắc hơn. Cơ hội Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thương mại. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân băng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng EVFTA có nhiều khác biệt, có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế VN. Và khi Việt Nam đạt được một trình độ nhất định, hiệp định này sẽ giúp sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh được ở châu Âu, tham gia vào chuỗi giá trị.
Cho ý kiến thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu rõ, việc gia nhập Công ước số 105 góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; còn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, là một vấn đề có ý nghĩa và cần thiết đối với Việt Nam.
Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và tuân thủ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Thường trực Ủy ban cũng đã hoàn thành mục tiêu chương trình cuộc họp, đó là cho ý kiến về 03 nội dung chính: Thẩm tra sơ bộ dự án Luật; Nghe báo cáo về việc gia nhập Công ước 105 của ILO và Nghe báo cáo về đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Trên cở sở ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban, đề nghị các cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ về các nội dung trên để dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vào Phiên họp thứ 44 tới đây./.