Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội thảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội khi Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)...
Liên quan đến cơ chế tài chính công đoàn, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 26, quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn. Tại khoản 2 Điều 27 quy định việc trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; phân phối 75% cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Ngoài ra nội dung chi từ nguồn kinh phí công đoàn (2%) cũng được tách bạch rõ. Theo đó, kinh phí công đoàn được sử dụng cho các nhiệm vụ: chăm lo cho đoàn viên và người lao động; tổ chức hoạt động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, hoạt động về giới và bình đẳng giới; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao do công đoàn phát động; chi quản lý hành chính tại các cơ quan công đoàn; chi đầu tư các thiết chế phúc lợi cho đoàn viên và người lao động. Dự thảo Luật cũng quy định, đoàn phí công đoàn và các khoản thu khác được chi theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; ngân sách nhà nước chi theo nội dung Nhà nước cấp hỗ trợ.
Các đại biểu nhất trí cần có kinh phí công đoàn do tính đặc thù riêng có của tổ chức này so với các tổ chức chính trị khác. Công đoàn Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên công đoàn mà còn chăm lo phúc lợi đoàn viên công đoàn tại cơ sở. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể cách quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này, bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Một số ý kiến cũng đề nghị, khi doanh nghiệp gặp khó khăn như trong đại dịch Covid - 19 vừa qua, cần xem xét và tính toán mức đóng phí công đoàn hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Về quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài, do Bộ luật Lao động 2019 quy định cho phép người lao động là người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam được quyền gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, và “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam”. Quy định này gián tiếp thừa nhận quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động của người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng Đề án thí điểm việc gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sau thí điểm nếu phù hợp sẽ nghiên cứu bổ sung.
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu ủng hộ việc tạo điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam gia nhập công đoàn. Điều này cũng đáp ứng được xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu của Công ước 87 về tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức mà Việt Nam sẽ ký kết trong thời gian tới.
Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười tới./.