SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG ĐOÀN: GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TỪ THỰC TIỄN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc phiên họp lấy ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Nhấn mạnh Luật Công đoàn hiện hành được ban hành năm 2012, sau hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thuý Anh cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của công đoàn; đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Lưu ý đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất có nhiều nội dung mới, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, các đại biểu tập trung góp ý toàn diện vào nội dung dự luật, trong đó quan tâm cho ý kiến về các chính sách cơ bản.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết và phù hợp khi sửa đổi Luật Công đoàn, nhất là khi Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quan hệ lao động, quyền của người lao động tham gia tổ chức đại diện. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể.
Các đại biểu tập trung góp ý về: quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước với công đoàn; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; bảo đảm về tổ chức cán bộ; xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn; cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam…
Quang cảnh hội thảo
+ Tại phiên họp lấy ý kiến về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, quy định về hưởng BHXH một lần là một trong những nội dung trọng tâm được quan tâm sửa đổi trong dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị các chuyên gia, đối tượng thụ hưởng, những người đã hưởng BHXH một lần, người sử dụng lao động, công đoàn cơ sở… đóng góp ý kiến tìm ra phương án tối ưu nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, có tính khả thi, có tác động lâu dài, phù hợp với tình hình thực tế, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển.
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22.6.2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện. Nhóm 2, người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phương án 2: người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ghi nhận, đánh giá cao những nội dung góp ý tâm huyết, thẳng thắn, khoa học của các đại biểu, chuyên gia, người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, cơ quan soạn thảo phải đặt vào vị trí của người lao động, lấy người lao động làm trung tâm để tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo để sửa đổi, bổ sung nhằm vừa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH vẫn có quyền được rút BHXH; vừa giữ chân người lao động trong hệ thống, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu, bảo đảm cuộc sống.