Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Tổ chức Y tế Thế giới và Viện vaccine Sabin Hoa Kỳ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, chương trình về y tế mà trong đó có chương trình y tế dự phòng không còn nằm trong danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động y tế dự phòng trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Hội thảo là cơ hội để các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin về hoạt động y tế dự phòng, nghiên cứu đề xuất các chính sách nhằm tiếp tục duy trì chương trình.
Đánh giá về công tác y tế dự phòng tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết công tác y tế dự phòng của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu. Nhiều dịch bệnh đã được khống chế như SARS, H5N1; không để dịch lớn xảy ra; một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi như Eboa, MERS-CoV, H7N9 được ngăn chặn không để xâm nhập vào Việt Nam.
Công tác y tế dự phòng đã thanh toán được nhiều bệnh như bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ UVSS; giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, công tác y tế dự phòng còn đóng góp vào tăng cường công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường sống.
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng cho biết công tác y tế dự phòng được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tại tuyến huyện. Theo kết quả khảo sát và báo cáo của các tỉnh giai đoạn 2008- 2010 thì chi cho y tế dự phòng bao gồm y tế xã bình quân là 22,8%. Chi y tế dự phòng trung bình 10- 15 triệu/trạm y tế/năm.
Chế độ chính sách đãi ngộ hiện nay cho cán bộ y tế dự phòng còn thấp, chưa tương xứng với công sức lao động, đặc thù ngành. Do đó, việc thu hút nhân lực có chất lượng tại các tuyến đặc biệt trong tuyển dụng bác sĩ tại tuyến cơ sở gặp khó khăn.
Trước bối cảnh nhiều dịch bệnh phức tạp, nhiều dịch bệnh mới bùng phát, lây lan diện rộng, trong khi đó, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt chống công tác phòng, chống dịch bệnh, dự án mục tiêu quốc gia về y tế bị cắt giảm ảnh hưởng đến việc triển khai và nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát.
Chia sẻ thông tin về kết quả triển khai công tác tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2011-2015, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng GS. Đặng Đức Anh cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên toàn quốc tại 11.000 xã phường, 700 huyện thị của 63 tỉnh/thành phố. Hàng năm có khoảng 5,1 triệu đối tượng gồm trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ 1-5 tuổi và phụ nữ được thụ hưởng. Chương trình cung cấp miễn phí 45- 50 triệu mũi tiên chủng hàng năm để phòng 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống của trẻ em.
Dự án tiêm chủng mở rộng đã thực hiện nhiều chiến dịch tiêm chủng như triển khai chiếm dịch tiêm vaccine OPV tại vùng nguy cơ cao trong năm 2011, 2012, 2015; triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại vùng nguy cơ cao cho trẻ 2 -10 tuổi năm 2014; chiến dịch tiêm vaccine sởi- rubella cho 20 triệu trẻ 1- 14 tuổi năm 2014- 2015; mở rộng triển khai vaccine viêm não Nhật Bản trên phạm vi toàn quốc năm 2015.
Kết quả điều tra 2015 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em đạt tỷ lệ cao trong đó tiêm chủng BCG đạt 100%, tiêm chủng đầy đủ đạt 94%, chỉ có tiêm chủng viêm gan B đạt tỷ lệ thấp với 62%.
Kết quả của chương trình tiêm chủng mở rộng: năm 2000 thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt, năm 2005 đạt mục tiêu loại trừ bênh UVSS; giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh sở giảm 573 lần, bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần).
Trong quá trình thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng thì tỷ lệ tiêm chủng tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa chưa cao; nhu cầu của người dân về chất lượng và an toàn tiêm chủng ngày càng cao, gây áp lực đối với cán bộ y tế làm tiêm chủng; đảm bảo hệ thống dây chuyên lạnh bảo quản và vận chuyển vaccine tại các tuyến đòi hỏi đầu tư cao; chi trả hỗ trợ công tiêm chủng thấp, thiếu kinh phí vận chuyển vaccine; nhu cầu đưa thêm vaccine mới; thiếu kinh phí đáp ứng nhu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng đặc biệt hỗ trợ quốc tế giảm dần; giảm nhanh khi Việt Nam là nước có thu nhập trung bình.
Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương GS. Đặng Đức Anh chia sẻ trước những thành công lớn của chương trình tiêm chủng mở rộng thì kinh phí ngân sách nhà nước cho tiêm chủng mở rộng là 311 tỷ đồng chỉ đáp ứng khoảng 24% tổng kinh phí sử dụng trong chương trình. Phần còn lại của kinh phí được huy động từ nguồn hỗ trợ từ các địa phương và các tổ chức quốc tế tài trợ như UNICEF, WHO, JICA, PATH...
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà chương trình y tế dự phòng và đặc biệt là chương trình tiêm chủng mở rộng đã đạt được. Chia sẻ với những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng về nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng trách nhiệm khắc phục tồn tại khó khăn của ngành trước hết phải thuộc về Bộ Y tế. Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế cần sớm có những giải pháp nội bộ nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng cũng như đảm bảo kinh phí triển khai các chương trình.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần có các chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động trong công tác y tế dự phòng.