PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ ĐỐI VỚI BỆNH VIỆN CÔNG LẬP

03/10/2019

Sáng 03/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên giải trình.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc

Tham dự phiên giải trình còn có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Kiểm toán Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đại diện một số bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ; các chuyên gia, nhà khoa học có quan tâm đến lĩnh vực này.

Văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tự chủ chưa hoàn thiện

Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuối năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18. Đến nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố; nghiên cứu báo cáo của 8 địa phương, Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; làm việc với một số bộ ngành Trung ương. Phiên giải trình lần này là hoạt động tiếp nối trong khuôn khổ kế hoạch giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18. Qua giám sát của Ủy ban cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận một số kết quả tích cực hiện: hiện nay, 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức sự chủ ngày càng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ; người dân có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao; nhiều bệnh viện khang trang, sạch sẽ. Các bệnh viện công lập cũng đã quản lý chặt chẽ nguồn thu - chi để có kinh phí hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và trích lập các quỹ.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy một số vấn đề nổi lên như: văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế chưa hoàn thiện; việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất; còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và góp phần bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm rõ một số nội dung

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội nêu rõ, Phiên giải trình nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đây là diễn đàn công khai với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích thông tin minh bạch trước cử tri và nhân dân cả nước về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập; làm rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các địa phương. Qua đó, thống nhất các phương hướng giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập trong thời gian tới, đặc biệt đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều khó khăn trong thực hiện tự chủ tại các bệnh viện

Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương và thành phố, riêng các bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương đã giảm từ 60-70% số giường nằm ghép. Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”. Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập đã tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018; chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải lót tay nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hưn. Khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho thấy, chỉ số hài lòng của người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8%.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, khó khăn trong thực hiện tự chủ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành. Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định. Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT. Bộ trưởng cũng cho biết, theo quy định hiện nay, việc ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh phải bằng Thông tư; việc quyết định mức giá, thời điểm áp dụng giá không thanh toán từ quỹ BHYT của các bệnh viện thuộc địa phương bằng Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND cấp tỉnh nên phải có quy trình, thời gian thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: trong khi Luật Giá quy định phải kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành giá thay đổi. Việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm dẫn đến nhiều bệnh viện phải có 2 bảng giá: Giá khám chữa bệnh BHYT và khám chữa bệnh cho đối tượng không có BHYT, theo mức giá chưa tính chi phí quản lý, khấu hao; giá dịch vụ theo yêu cầu, áp dụng cho khu vực vay vốn, liên doanh, liên kết, xã hội hóa. Hệ quả là chưa khuyến khích được việc vay vốn để đầu tư.

Cần tháo gỡ vướng mắc cho các bệnh viện khi thực hiện cơ chế tự chủ

Đưa ra vấn đề cần làm rõ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí khẳng định, cơ chế tự chủ là chủ trương đúng đắn nhưng có nhiều vấn đề vướng mắc. Vướng mắc trong thực hiện xã hội hoá; tự chủ giá dịch vụ y tế giữa các đơn vị, tỉnh thành; tính đúng tính đủ; nhiều cơ sở phản ánh giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính, nhân lực. Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị giải trình

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương nhận xét, thời gian qua lĩnh vưc y tế có tiến bộ vượt bậc đó là về y thuật, y đức; đồng thời Bộ Y tế đã có nhiều tích cực trong ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tuy nhiên đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng bác sỹ, nhất là bệnh viện công lập còn khó khó tiếp cận tự chủ về vấn đề này. Đề nghị các Bộ, ngành làm rõ nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp để tạo điều kiện cho bệnh viện tự chủ?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 13 đơn vị tự chủ trong đó có 2 đơn vị Trung ương và 11 đơn vị của địa phương nhưng qua giám sát của Đoàn ĐBQH thì các đơn vị này đều phản ánh rất khó khăn vì giao tự chủ nhưng việc gì cũng phải xin ý kiến. Vậy Bộ Y tế giải quyết tình trạng này như thế nào?

Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra rằng, việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công, với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên trong ngành y tế cũng phải hết sức thận trọng, nhất là đối với các bệnh viện liên quan trực tiếp đến người bệnh. Đồng thời, để tháo gỡ những vướng mắc, trong thời gian tới, việc tự chủ phải tiến hành phân loại và giao quyền tự chủ cho các đơn vị theo các nguyên tắc; Xây dựng tiêu chí dựa trên khả năng thu và dự toán chi theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức; Có quy định, hướng dẫn cụ thể về phân loại và giao tự chủ cho các bệnh viện có nhiều cơ sở trực thuộc. Đồng thời Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tới đây sẽ xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với Trung tâm y tế huyện đa chắc năng; đồng thời đề nghị sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh để có cơ chế khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới; cung cấp các dịch dụ y tế mà tuyến dưới chưa đảm bảo được; sửa đổi, bổ sung Luật BHYT về vấn đề đảm bảo chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản, người sử dụng chi trả ở phần vượt mức.

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, với không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành đã làm rõ vấn đề về thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, giải pháp khắc phục và định hướng công tác quản lý nhà nước về thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế và các vấn đề liên quan, từ thực tiễn giám sát và kiến nghị của cử tri, của các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương và địa phương, kết quả phiên giải trình, Ủy ban đã đưa ra một số kiến nghị để thực hiện tốt hơn nữa cơ chế tự chủ của các bệnh viện đồng thời thông qua Kết luận phiên giải trình./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức