PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 16 ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI

22/11/2019

Cuối giờ chiều ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 16, thẩm tra Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp 

Dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện lãnh đạo Các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đại diện Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Nạn nhân Chất độc da cam dioxin Việt Nam; Hội Cựu thanh niên xung phong; đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Công an; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cùng các đại biểu Quốc hội là Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, để tôn vinh và tri ân, đãi ngộ đối với người có công với cách mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh đầu tiên được thông qua năm 1994, đến nay đã qua 6 lần sửa đổi. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng là văn bản quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất tinh thần người có công với cách mạng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại Phiên họp

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, 100% gia đình có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình với cộng đồng dân cư nơi cư trú mà Chỉ thị số 14 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào phiên họp thứ 40 diễn ra tháng 12/2019. Việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn đọng trong việc thực thi chính sách hiện hành, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ người có công với cách mạng, danh sách bổ sung một số trường hợp người có công với cách mạng chưa được hưởng chính sách.

Chính sách ưu đãi người có công là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, vì vậy đòi hỏi cần có sự thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, dự báo đầy đủ, đảm bảo sự đồng thuận của xã hội. Việc xây dựng chính sách cũng cần rút kinh nghiệm từ những lần sửa đổi trước đó để giữ vững được niềm tin của người có công, đảm bảo ý nghĩa thực tiễn của chính sách pháp luật đối với việc cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị các đại biểu tham dự phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý về tính hợp pháp của hồ sơ Dự án Pháp lệnh; sự phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp; mối quan hệ của Pháp lệnh với Luật Thi đua khen thưởng; cho ý kiến về phạm vi sửa đổi; việc bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam điôxin….

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trình bày Tờ trình dự án Pháp lệnh Người có công với cách mạng (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Pháp lệnh gồm có 6 Chương và 57 Điều, so với Pháp lệnh hiện hành thì tăng 09 Điều, bổ sung 02 Chương và bỏ 01 Chương.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, việc sửa đổi Pháp lệnh người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác này; phấn đấu đến hết năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia tích cực hơn nữa cùng với nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại diện cơ quan ban soạn thảo cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân. Tuy nhiên, Chính phủ xin ý kiến ủy ban Thường vụ Quốc hội về 4 nội dung còn ý kiến khác nhau:

1 - Bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.

 2 - Bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá. Pháp lệnh hiện hành quy định thân nhân của liệt sĩ là: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác thì không phải là thân nhân liệt sĩ và không được hưởng các chế độ ưu đãi như thân nhân liệt sĩ.

3 - Về công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình).

4 - Đề nghị ủỵ ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại Phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với việc bổ sung 9 điều mới và sửa đổi 41 điều so với pháp lệnh hiện hành. Quá trình xây dựng Pháp lệnh cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Hồ sơ quy trình thủ tục được cơ quan soạn thảo thực hiện nghiêm các bước. Tuy nhiên, một số nội dung chưa thống nhất với nội dung Báo cáo tác động; đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; dự báo số người được bổ sung và dự báo kinh phí khi bổ sung người được hưởng chính sách người có công với cách mạng.

Một số đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh, như bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; Bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá; Công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình; Bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại Phiên họp 

Theo đó, đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp đồng tình và cho rằng, trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển việc quy định bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách có công với cách mạng là cần thiết, nhằm đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng.

Đối với quy định bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất của ban soạn thảo, nhằm ghi nhận tình cảm, trách nhiệm của người vợ/chồng tuy đã có chồng (vợ) khác nhưng vẫn làm tốt việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nếu chỉ bổ sung chế độ bảo hiểm y tế là chưa phù hợp, cần bổ sung cả chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng này.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên họp 

Quy định bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học trong Dự thảo Pháp lệnh nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu. Trong đó, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung các đối tượng này vào Pháp lệnh chưa có căn cứ cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 cùa người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Có ý kiến cho rằng, việc xác định thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc hóa học chưa rõ ràng, khi triển khai sẽ gặp khó khăn, khó khả thi trong thực tiễn và dễ bị lợi dụng chính sách. Mặt khác cũng tạo ra sự không bình đẳng, có sự so bì và không tương xứng chế độ ưu đãi giữa thân nhân của người có công với cách mạng. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu trên cơ sở khoa học, lập danh mục các bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học để làm cơ sở bổ sung đối tượng này được hưởng chế độ ưu đãi.

Tại phiên họp, đại diện Hội Nạn nhân chất độc Da cam Việt Nam; Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động thương binh và Xã hội… cũng góp ý và giải trình nhiều nội dung đại biểu nêu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao các ý kiến của đại biểu, đại diện các bộ ban ngành. Thời gian tới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục gửi dự thảo Pháp lệnh để đại biểu tiếp tục góp ý, trên cơ sở đó hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 40. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, rà soát các ý kiến góp ý tại phiên họp, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác