CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ HỘI KIẾN THỦ TƯỚNG AUSTRALIA: PHÁT HUY NỀN TẢNG QUAN HỆ TỐT ĐẸP, NÂNG TẦM QUAN HỆ VIỆT NAM - AUSTRALIA TRONG THỜI GIAN TỚI
PHÁT TRIỂN QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM – AUSTRALIA TRONG CÁC LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN, GIAO THÔNG VẬN TẢI
Tham dự cuộc làm việc có một số thành viên của Ủy ban Xã hội cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Australia. Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đã giới thiệu một số nội dung chính mà các Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia muốn tìm hiểu.
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong và các thành viên với Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia.
Thứ nhất, về hệ thống chính trị của Việt Nam: Hệ thống chính trị ở Việt Nam vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân. Tổ chức bộ máy Nhà nước bao gồm: Quốc hội (cơ quan lập pháp) và hội đồng nhân dân các cấp; Chủ tịch nước (là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh và thực thi các nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp); Chính phủ và uỷ ban nhân dân các cấp (cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan hành pháp), Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các cấp (cơ quan tư pháp).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thứ hai, một số nét chung về Quốc hội Việt Nam: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền lập pháp cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các chức năng chính: (i) Lập hiến, lập pháp; (ii) Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; (iii) Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước; Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại cuộc làm việc.
Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội kéo dài 5 năm, mỗi năm Quốc hội họp thường kỳ 2 lần. Quốc hội Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Bộ máy hoạt động của Quốc hội gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (cơ quan thường trực), Hội đồng dân tộc và 09 Ủy ban khác và 03 cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội đương nhiệm hiện nay là Quốc hội khóa XV, được bầu vào ngày 23/5/2021 và bầu ra 499 đại biểu. Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm là Ngài Vương Đình Huệ. Đến năm 2026, Quốc hội Việt Nam sẽ kỷ niệm 80 năm hình thành và phát triển (1946-2026).
Về cơ cấu thành phần của đại biểu Quốc hội hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, đại biểu là nữ 151 người (tỷ lệ 30,26%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người (tỷ lệ 2,81%); đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước: 203 người (tỷ lệ 40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32%).
Quốc hội Việt Nam hiện nay là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Nghị viện châu Á (APA), Diễn đàn các nghị sĩ về dân số và phát triển (AFPPD), Liên minh Nghị viện các nước Châu Á - Thái Bình Dương (APPU), Tổ chức nghị sĩ thầy thuốc thế giới (IMPO) là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị sĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Lãnh đạo Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các thành viên tham dự cuộc làm việc.
Thứ ba, về Ủy ban Xã hội của Quốc hội, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, Ủy ban Xã hội là một trong 10 Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Thường trực Ủy ban Xã hội bao gồm 12 người: 01 Chủ nhiệm, 05 Phó Chủ nhiệm, 05 Ủy viên Thường trực và 01 Ủy viên chuyên trách; còn lại là đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Ủy ban Xã hội có 45 thành viên đến từ 38 tỉnh/thành phố trong cả nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: y tế, công đoàn, lao động - thương binh và xã hội, doanh nghiệp, công tác phụ nữ… Lĩnh vực hoạt động của Ủy ban Xã hội rất rộng và mang tính nhạy cảm xã hội cao, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, người lao động. Trên cơ sở các lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Xã hội chia thành 05 tiểu ban (Lao động, Dân số - Y tế, Người có công – Bảo trợ xã hội, Giới - Gia đình và Phòng chống tệ nạn xã hội - HIV/AIDS), trong đó Trưởng các Tiểu ban là các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Phó Trưởng tiểu ban là các đồng chí Ủy viên Thường trực Ủy ban. Ủy ban Xã hội có 01 Vụ chuyên môn giúp việc.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cũng giới thiệu một số lĩnh vực mà Đoàn quan tâm. Theo đó, về lĩnh vực lao động, việc làm, có nhiều Bộ luật, Luật được ban hành như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn… Hệ thống pháp luật về lao động - việc làm với nền tảng là Bộ luật Lao động đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý để hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện lao động, xác lập rõ ràng hơn các nguyên tắc sử dụng lao động, quản lý lao động, thúc đẩy và bảo vệ việc làm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong dài hạn, điều chỉnh các quan hệ xã hội khác có liên quan mật thiết với quan hệ lao động, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và từng bước nội luật hóa các công ước quốc tế.
Về lĩnh vực an sinh xã hội: Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam được xây dựng dựa trên nguyên lý quản lý rủi ro, đồng thời nhấn mạnh vai trò cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, bao gồm 4 nhóm chính sách trụ cột: (i) nhóm chính sách việc làm bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo (nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có việc làm tốt, bảo đảm thu nhập và giảm nghèo bền vững); (ii) nhóm chính sách bảo hiểm xã hội (hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…); (iii) nhóm chính sách trợ giúp xã hội (hỗ trợ người dân khắc phục rủi ro không lường trước); (iv) nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản (nhằm tăng cường cho người dân khả năng tiếp cận hệ thống dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu).
Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia.
Cuối năm 2023, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, linh hoạt theo mô hình đa tầng, hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất trong chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng dễ bị tổn thương đã được lồng ghép trong nhiều đạo luật nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”.
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và dân số: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Các chính sách, pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này đều hướng tới việc (i) nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; (ii) nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; (iii) đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; (iv) phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; (v) nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng.
Trong lĩnh vực dân số, Việt Nam luôn thực hiện các giải pháp toàn diện, đồng bộ để giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội với quan điểm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số.
Để thực hiện những quan điểm nêu trên, vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sửa đổi một số luật có liên quan đến lĩnh vực này như: Luật Dược, Luật dân số, Luật Bảo hiểm y tế, xây dựng Luật về trang thiết bị y tế, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (sửa đổi)…
Về lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình: Việt Nam luôn coi bình đẳng giới, gia đình và việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này là nhiệm vụ quan trọng để chăm lo và phát triển nguồn lực con người (hướng đến cả nam giới và nữ giới). Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình... Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này khá đầy đủ nhưng công tác bình đẳng giới vẫn còn gặp phải một số khó khăn do vấn đề về nhận thức, vai trò “kép” của phụ nữ vừa tham gia công tác xã hội, vừa phải dành thời gian chăm sóc con cái và gia đình…
Cũng tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh: Australia là một quốc gia thực hiện khá tốt công tác bình đẳng giới, gia đình và mong có thể chia sẻ những kinh nghiệm hay trong lĩnh vực này.
Ngài Michael Pettersson - Trưởng Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia.
Thay mặt Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia, ngài Michael Pettersson cảm ơn sự đón tiếp của lãnh đạo Ủy ban Xã hội và lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội đối với Đoàn.
Thông qua sự giới thiệu của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia có dịp hiểu rõ hơn về hệ thống chính trị, Quốc hội của Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Xã hội.
Ngài Michael Pettersson hy vọng, thông cuộc làm việc với Ủy ban Xã hội, Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia cũng có dịp hiểu hơn về những hoạt động của Quốc hội Việt Nam để Australia nghiên cứu, tăng cường sự hợp tác trên lĩnh vực lập pháp với Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ tại cuộc làm việc, Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia đã được nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nói rõ hơn về việc thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội Việt Nam; những công việc của các Ủy ban trong quá trình hỗ trợ Quốc hội giám sát Bộ ngành triển khai, hoàn thiện các Luật, Nghị quyết…
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong và các thành viên với Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia.
Lãnh đạo Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các thành viên tham dự cuộc làm việc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Australia (áo xanh) phát biểu tại cuộc làm việc.
Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong và các đại biểu tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Công tác của Hội đồng Giao lưu chính trị Australia./.