Hội thảo khu vực phía Bắc về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vào năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội

15/10/2014

Ngày 14/10, tại Hải Phòng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vào năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội.

Theo đánh giá của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, việc thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đạt được những kết quả quan trọng. Những kết quả đó tác động toàn diện đến quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược quốc gia và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể khiến nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng trong khi chưa có giải pháp khắc phục. Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng nới rộng (tăng từ 8,1 lần năm 2002 lên 9,4 lần năm 2012). Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao (chiếm gần 50% cả nước). Các xã 135 có tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 40%...
 
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nguồn lực cho giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong những năm chịu tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát… Điều kiện KT-XH, địa lý của các địa bàn nghèo nhất còn khó khăn. Một số chính sách chưa gắn với điều kiện tham gia của người nghèo nên vẫn tồn tại một số địa phương, một số cán bộ và người nghèo còn tư tưởng ý lại, trông chờ và chính sách của Nhà nước. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp trách nhiệm giữa các nộ, ngành còn phân tán, thiếu liên kết, chưa lồng ghép được chính sách.
 
Phát huy những kết quả giảm nghèo đã đạt được, sang năm 2015, Quốc hội đã giao Chính phủ phấn đấu đạt được mục tiêu giảm hộ nghèo cả nước xuống còn 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Hoàn thành rà soát, điều chỉnh các văn bản theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, tránh chồng chéo. Sang giai đoạn 2016-2020, Chính phủ phấn đấu hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính để người dân thuận lợi tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, bảo đảm ít nhất 90% hộ nghèo tham gia bảo hiểm y tế, 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để đảm bảo cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
 
Các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra nhiều ý kiến để góp ý định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào việc chính sách giảm nghèo cần điều chỉnh để phù hợp mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ người dân thoát nghèo, tránh tình trạng “chia phần” gây tư tưởng tâm lý ỷ lại, trông chờ. Các chính sách cần được sắp xếp, điều chỉnh để tập trung, tránh phân tán, chồng chéo gây lãng phí…

(Theo Đại biểu Nhân Dân)