Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội

25/07/2016

Chiều 25/7, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội khóa XIV đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Tham dự phiên họp còn có: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các thành viên của Ủy ban Về các về xã hội. Phiên họp được tiến hành ngay sau khi Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn cơ cấu, tổ chức nhân sự của Ủy ban.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đã giới thiệu về cơ cấu và thành phần của Ủy ban gồm: Chủ nhiệm Ủy ban và 4 Phó Chủ nhiệm là: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong; 5 Ủy viên Thường trực gồm: đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Bùi Ngọc Chương, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Lê Thị Yến và 41 Ủy viên khác.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có 5 tiểu ban đó là: Tiểu ban lao động, Tiểu ban y tế và dân số, Tiểu ban phòng chống tệ nạn xã hội HIV/AIDS, Tiểu ban giới và gia đình, Tiểu ban người có công và bảo trợ xã hội.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban đã đành nhiều thời gian xem xét, dự kiến các nhiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và dự kiến chương trình hoạt động của Ủy ban từ Kỳ họp thứ nhất tới Kỳ họp thứ Hai.

Theo đó, về công tác lập pháp năm 2017, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tổ chức thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh năm 2017 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; thẩm tra về lồng ghép trong các dự án luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm việc với các Bộ, ngành về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; thẩm tra về lồng ghép giới trong các dự án luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuẩn bị thẩm tra các dự án Luật dân số; Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: ưu đãi người có công với cách mạng; phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và mại dâm; khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo vụ chuyên môn nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến làm việc với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành về các dự án pháp luật và chương trình xây dựng pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Đối với công tác giám sát, Ủy ban sẽ giám sát 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/QH14/2013 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/QH14/2013 và gửi Quốc hội Báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ hai; tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ hai…

Tin và ảnh: Thanh Tú