Đến dự Tọa đàm còn có các lãnh đạo ở các Vụ, Viện, chuyên gia của Bộ Y tế; đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Đây là buổi họp thứ 2, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lấy ý kiến chuyên gia thảo luận cho Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 9 chương, 125 điều nhấn mạnh đến việc cung ứng dịch y tế, bệnh nhân sử dụng dịch vụ cũng như chi trả khi khám, chữa bệnh...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau đóng góp cho Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Ông Bùi Sỹ Lợi-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý đến các vấn đề: dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân, kinh phí chi trả y tế, tự chủ tài chính bệnh viện, xã hội hóa trong khám chữa bệnh khi đóng góp cho Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại Tọa đàm, bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) lưu ý những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo 2 phương án. Phương án 1 được thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không bảo hiểm y tế. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Phương án 2 được thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Bà Trần Thị Mai Oanh- Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), đề cập hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bà Caryn Bredenkamp - đại diện ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (thứ 3 từ phải sang) đã đề cập thực trạng nguồn lực và hiệu quả sử dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như những góp ý đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo bà Caryn Bredenkamp, Việt Nam có thể định hướng đổi mới tài chính y tế như chuyển sang thanh toán dịch vụ y tế theo nhóm chẩn đoán đối với dịch vụ nội trú tại bệnh viện.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nêu ý kiến: Khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng cần xem xét ý kiến, sự đồng thuận, hài lòng của người dân như thế nào.
Cũng tại Tọa đàm, TS. Đàm Viết Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Y tế (ngoài cùng bên phải), nêu quan điểm: Khi đóng góp cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải nghiên cứu kỹ luật này có đồng bộ với các luật khác không, nếu vướng thì vướng ở Luật nào, điều nào để có sự đề xuất, điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, nên xem xét cẩn thận vấn đề bệnh viện tự chủ, phân bổ các quỹ tiền một cách hiệu quả; giảm tải áp lực cho bệnh viện Trung ương./.