THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 Ở MỘT SỐ BỘ, NGÀNH CỦA CHÍNH PHỦ

01/09/2021

Chuẩn bị thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, chiều 01/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp nghe một số bộ, ngành của Chính phủ báo cáo về một số nội dung có liên quan.

 

Toàn cảnh cuộc họp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp. Tham dự cuộc họp còn có các đồng chí là Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện của các bộ, ngành của Chính phủ: Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nghe Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày báo cáo về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021.

Báo cáo về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động là nữ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, để tăng cường triển khai các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và các văn bản pháp luật có liên quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Nội vụ với trách nhiệm được giao, đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đonạ 2021-2030; truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nêu rõ, Bộ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đối với một số nhóm phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp trong từng giai đoạn theo Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Đồng thời đổi mới công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101 ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức nữ. đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ngạch viên chức; đa dạng, linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng...

Báo cáo về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19; số lượng doanh nghiệp giải thể và thành lập mới băn 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giại đoạn 2021-2030. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề cập đến việc lồng ghép, hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, năm 2021, ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng cho công tác đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có chú trọng đến công tác đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ.

Đánh giá tác động của đại dịch Covid -19 đến việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ luôn quan tâm đến việc triển khai bình đẳng giới trong công tác tổ chức, cán bộ, đảm bảo quyền lợi của công chức viên chức nói chung và nữ công chức viên chức nói riêng trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, nồi dưỡng, tiền lương và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới đề ra được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai và đạt kết quả tốt.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như việc cung cấp số liệu thống kê về bình đẳng giới có phân tách giới cho Tổng cục Thống kê để tổng hợp, biên soạn và công bố theo quy định còn hạn chế. Dự kiến quý III/2021, ấn phẩm thông tin thống kê giới năm 2020 mới được công bố và trong năm 2022 mới xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê giới quốc gia. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ được phân công làm công tác bình đẳng giới còn mỏng, thiếu về số lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ năng lồng ghép giới trong công tác chuyên môn. Qua đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc kiến nghị các bộ, ngành, tổ chức liên quan chủ động trong việc thực hiện thống kê các chỉ tiêu trong phạm vi trách nhiệm mình được phân công, tăng cường phối hợp với Tổng cục Thống kê trong việc cung cấp số liệu để Tổng cục Thống kê tổng hợp, biên soạn và công bố theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.

Báo cáo về thực trạng về bạo lực gia đình trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kiến nghị đề xuất thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, hậu quả mà đại dịch gây ra đang ảnh hưởng đến mọi người dân trên khắp thế giới ở mức độ khác nhau và được cho là đang làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực gia đình. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu khái quát số vụ bạo lực gia đình tăng lên ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh đại dịch như ở Pháp, số vụ bạo lực gia đình tăng 30%, ở Malaysia tăng 40%, Trung Quốc và Somalia tăng 50%, Colombia tăng 79%, Tunisia và Fiji tăng 400% hay số vụ bạo lực gia đình cũng tăng ở Canada, Đức, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Mỹ.

Còn tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, tình trạng bạo lực được nhận định có xu hướng tăng lên. Thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến cho 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ em chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng Internet an toàn; 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu rõ, hành vi bạo lực giới có xu hướng gia tăng, trong đó nữ giới có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn nam giới. Điều này được giải thích là do thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ xã hội và tài chính còn hạn chế, cách ly tại nhà và căng thẳng gây nên. Bạo lực có nguy cơ gia tăng khi phụ nữ là nạn nhân của tiếp cận các dịch vụ hạn chế và thường bị gián đoạn trong khoảng thời gian giãn cách xã hội.

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó cần bổ sung những quy định về phòng ngừa, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động thể thao, giả trí tại gia đình thông qua các thiết bị ứng dụng internet nhằm tăng cường sức khỏe, giảm áp lực tinh thần cho các thành viên gia đình trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bạo kuwcj gia đình, kỹ năng xử lý các tình huống căng thẳng trong gia đình, tuyên truyền về bình đẳng giới. trong gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua mạng xã hội nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các thành viên.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ các chính sách mới trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án Luật này lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm khi xây dựng chính sách và đặt các chính sách trong tương quan chung nhằm đảm bảo tính khả thi khi được ban hành. Đồng thời định kỳ thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các cơ quan trung ương và địa phương.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo của Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các nội dung liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, báo cáo của Bộ Nội vụ còn chung chung, chưa có số liệu cụ thể, đề nghị cần đánh giá, làm rõ và bổ sung thêm các số liệu về công tác cán bộ trong 6 tháng đầu năm 2021. Nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về bình đẳng giới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân; thực hiện việc kiểm tra, giám sát các kế hoạch, chương trình mục tiêu có tính đến giới và thực thi pháp luật về giới, tăng cường hướng dẫn, tập huấn về công tác bình đẳng giới để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu về giới thiết thực, hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, đối tượng bị bạo lực nhiều nhất là phụ nữ và chủ yếu là bạo lực về thể chất, tinh thần. Hiện nay nạn nhận đã biết đến các đường dây nóng để nhận được sự trợ giúp. Đồng thời kiến nghị, trong bối cảnh dịch bệnh, thực tiễn cho thấy vấn đề bạo lực gia đình cần được nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đưa cuộc sống vào trong luật, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành để hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, giúp họ nhận được sự trợ giúp toàn diện, thân thiện để giải quyết những nhu cầu chính đáng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn, kỹ năng làm cha mẹ… Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác gia đình, tiếp tục phát huy những giá trị gia đình tốt đẹp một cách cụ thể, chi tiết cùng với sự kết hợp các cấp, các ngành.

Đề cập một số nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng muốn làm tốt công tác này trước hết phải giải quyết được bài toán kinh tế, giảm đói nghèo. Thời gian qua, Quốc hội cũng như hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách, vốn, nguồn lực để phát triển kinh tế cho đối tượng người nghèo, vùng sâu vùng xa, và đối tượng thụ hưởng nhiều nhất là phụ nữ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú kiến nghị chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ cần được tạo điều kiện nhiều hơn vì nguồn lực của các doanh nghiệp này còn yếu. Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, sửa một số nội dung của Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số chính sách liên quan. Đồng thời đề xuất cần tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, tư vấn và hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp này. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện Ngân hàng ADB hỗ trợ không hoàn lại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ khoảng 5 triệu USD. Dự án này bước đầu triển khai từ tháng 12/2020, đây có thể coi là giải pháp rất thiết thực. Do vậy, kiến nghị Quốc hội cần có chủ trương chung và Chính phủ cần có chính sách rõ ràng hơn, cụ thể hóa để có thể giải quyết các vấn đề này, phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp nữ làm chủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các bộ ngành đã có sự chuẩn bị chu đáo báo cáo. Đồng thời Thường trực Ủy ban Xã hội đã nghe lãnh đạo các bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải trình các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia và bổ sung, hoàn thiện các nội dung liên quan vào báo cáo của các Bộ. Qua đó, Ủy ban Xã hội sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ về nội dung này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 06/9 tới đây./.

Bích Ngọc