THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI

13/09/2022

Sáng 13/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức cuộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Công an về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước; phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2022. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong chủ trì cuộc làm việc.

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Toàn cảnh cuộc làm việc

Dự cuộc làm việc có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, đại diện Bộ Công an cùng một số cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong nêu rõ, năm 2021, 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 41/2021/QH13 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trong đó, các Nghị quyết số 32 và số 43 đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh: đồng thời Nghị quyết số 41 yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng. Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khác phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong

Về vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Luật có nhiều điểm mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần hạn chế gia tăng người nghiện, giảm nguồn cầu ma túy cũng như các loại tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, tình hình phòng. chống tệ nạn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện chức năng giảm sát, Ủy ban đã tổ chức một số Hội nghị khu vực (TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng) và khảo sát ở một số địa phương để giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Về lĩnh vực bình đẳng giới, năm 2022, Ủy ban Xã hội đã tổ chức khảo sát tại 02 tỉnh (Sóc Trăng, Cà Mau) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Ủy ban Xã hội đã họp thẩm tra, tổ chức nghiên cứu tham gia ý kiến thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với 07 các dự án Luật, đẩy mạnh việc thẩm tra trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thí, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực... khiến cho các văn bản luật, pháp lệnh dễ đi vào cuộc sống và đảm bảo bình đẳng giới thực chất thông qua các quy định, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cụ thể. Trong quá trình xem xét quy ổn định những sản để quan trọng của đất muốn đi chơi cũng quan tâm xem xét tác động gian, tác động về mặt kinh tế - xã hội của những quyết sách này, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong phân bố ngân sách.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các địa phương đối với người cao tuổi, người khuyết tật

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Quán triệt Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành  thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành và cụ thể hóa thành 19 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể  giao các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo

Đối với việc thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5%. Tính chung 6 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 2,93%, giảm 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%, đạt mục tiêu được mục tiêu đã đề ra.

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tính chung 6 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ lao động qua đào tạo ước tính khoảng 66,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên đạt khoảng 26,1%. Ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%, đạt được mục tiêu đã đề ra. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022 giảm khoảng 1% so với cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 90 nghìn người; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã đạt khoảng 37,5-38%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30,6-31%. 6 tháng đầu năm cả nước đưa được 46.578 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 51,8% kế hoạch. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 6 tháng đầu năm đạt 37,5%.  Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm khoảng 30,5%, ước cả năm đạt khoảng 31%, đạt mục tiêu đã đề ra.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang có tốc độ triển khai nhanh hơn cả. Tuy nhiên, qua đánh giá các dự án chưa triển khai, chưa có đủ cơ sở để khẳng định rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo của năm 2022 như Nghị quyết của Quốc hội đã giao. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, sau đại dịch, đời sống của những người cao tuổi, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước của mình, tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các địa phương đối với người cao tuổi, người khuyết tật, đảm bảo ổn định đời sống của các đối tượng đặc biệt này.

Các thành viên Ủy ban cũng cho rằng, các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, thị trường lao động. Chưa kịp thời có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động. Chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn…, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao. Hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước.

Một số ý kiến cho rằng, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, người lao động lạm dụng bảo hiểm thất nghiệp, vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn nan giải chưa được giải quyết. Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp

Ngoài ra, các thành viên Ủy ban cũng nêu thực trạng, còn nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Các đại biểu cho rằng, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Cần kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội

Tham gia báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống tệ nạn xã hội năm 2022, đại diện Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp; nguồn cung ma túy còn rất lớn; công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện thống nhất, đồng bộ, tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế và gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Không đủ điều kiện thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy hoặc có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện nhưng không đảm bảo về cơ sở vật chất, khu lưu trú dành riêng cho người nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy công lập thiếu y bác sĩ hoặc không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh nên không đủ điều kiện, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. Chưa có sự tham gia tích cực của gia đình và bản thân người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong quá trình cai nghiện; Kinh phí phục vụ công tác cai nghiện còn rất hạn chế, Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư quy định về nội dung chi và mức chi cho công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, gây khó khăn trong việc lập dự toán để bố trí nguồn kinh phí hàng năm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tệ nạn xã hội trong thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch Covid-19 được Bộ Công an xác định chủ yếu là: Một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, coi đó là nhiệm vụ của lực lượng Công an; do đó chưa huy động được sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn, người mắc tệ nạn xã hội sau khi tái hòa nhập cộng đồng cơ bản không có việc làm không tạo nên thu nhập để tự nuôi sống bản thân dẫn đến tỷ lệ tái phạm cao. Hầu hết người mắc tệ nạn xã hội có tư tưởng chán chường, buông bỏ; không hợp tác với cơ quan chức năng.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động giao thương trong nước và quốc tế trở lại bình thường, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác sẽ diễn biến hết sức phức tạp. Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi có liên quan đến tệ nạn xã hội và hỗ trợ các nạn nhân, Bộ Công an kiến nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 về phòng, chống mại dâm; đưa dự án Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Phòng, chống mại dâm vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội; đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho ý kiến tại cuộc làm việc

Đưa ra quan điểm về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, trong năm 2022, tình hình tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân như: mặt trái của toàn cầu hóa khiến tội phạm quốc tế, xuyên quốc gia, tội phạm không gian mạng gia tăng; dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho các lực lượng phòng, chống tệ nạn xã hội; nhận thức của một số bộ phận người dân còn chưa đầy đủ. Các thành viên Ủy ban Xã hội đánh giá cao Bộ Công an đã thực hiện tương đối tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ; dự báo tình hình tệ nạn xã hội…

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, trong việc hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tệ nạn xã hội, còn một số văn bản quy định chi tiết chưa hoàn thành, cụ thể gồm: Thông tư của Bộ Tài chính quy định về mức chi cơ chế tài chính cho việc thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; Thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về điều kiện thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng nghề nghiệp, chuyên ngành, nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Một số văn bản đã ban hành còn bất cập, khó thực hiện, thiếu tính khả thi. Các quy định của pháp luật còn chưa thống nhất về một số nội dung, trong đó có nội dung về công tác xác định tình trạng nghiện.

Các đại biểu cũng nêu thực trạng, một số địa phương thiếu kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho cơ sở cai nghiện ma túy, việc bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn, xã hội còn bất cập. Đối với việc phòng, chống mại dâm, pháp luật hiện nay không còn phù hợp với thực tế, nhưng chưa được rà soát và kiến nghị sửa đổi, cơ sở pháp lý để xác định tội phạm vi phạm trong tệ nạn mại dâm còn thiếu, chưa đồng bộ, chế tài xử phạt đối với vi phạm về hoạt động mại dâm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bộ máy, đội ngũ cán bộ, nguồn lực thực hiện công tác mại dâm còn thiếu, chưa hiệu quả. Việc xử lý người vi phạm còn nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng còn ít, chưa phù hợp… Các thành viên Ủy ban đề nghị cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn, phòng, chống tệ nạn này trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đánh giá cao những ý kiến thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện báo cáo, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, sau cuộc làm việc ngày hôm nay, Ủy ban sẽ có các báo cáo tham gia thẩm tra về các nội dung Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an báo cáo. Các báo cáo sẽ được xin ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7, sau đó sẽ được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu thành viên Ủy ban và được gửi các cơ quan của Quốc hội được giao chủ trì thẩm tra các nội dung này, đồng thời gửi Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại cuộc làm việc

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống tệ nạn xã hội năm 2022, đại diện Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp; nguồn cung ma túy còn rất lớn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các địa phương đối với người cao tuổi, người khuyết tật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng cần ban hành kịp thời các vă bản quy định chi tiết nhằm hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tệ nạn xã hội

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng công tác bình đẳng giới cần được chú trọng hơn nữa. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành phải rà soát, cập nhật số liệu chính xác về nội dung này

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Lò Thị Việt Hà đề nghị cần làm rõ tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, sau cuộc làm việc ngày hôm nay, Ủy ban sẽ có các báo cáo tham gia thẩm tra về các nội dung Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an báo cáo, xin ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7.

Hồ Hương- Nghĩa Đức