Việt - Hàn, góc nhìn tương đồng và bổ trợ

24/03/2008

Gọi Hàn Quốc là xứ sở sâm Cao Ly quả không ngoa. Bởi, trong các cửa hàng nhỏ, hay siêu thị lớn, trên đường phố hay đường xuống ga tàu điện ngầm… ngóc ngách nào cũng thấy nhân sâm. Nhân sâm có mặt trong bữa ăn của người Hàn Quốc. Nhân sâm có mặt trong các sản phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ.

Và, nếu đơn giản nhất là sâm dùng để uống trà, ngâm rượu… Đối với khách du lịch hay khách đến làm việc tại Hàn Quốc, thì nhân sâm là một trong những loại quà tặng khó có thể bỏ qua. Đoàn chúng tôi không là một ngoại lệ.

 

Chủ tịch QH Hàn Quốc Lim Chae Jung đón tiếp Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng.
Ảnh: Trí Dũng.

 

      Dù, luôn phải tất tả để chạy kịp chương trình làm việc kín mít từ sáng tới tối của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi rời khỏi Hàn Quốc không mấy ai là không có trong hành lý một ít nhân sâm hoặc những sản phẩm làm từ nhân sâm để làm quà.

      Và, không chỉ có nhân sâm để làm quà. Bởi, sau những cuộc hội kiến, hội đàm và gặp gỡ đầy tình cảm giữa Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta với Tổng thống, Chủ tịch QH Hàn Quốc, Lãnh đạo Hội hữu nghị Hàn- Việt… chuyến thăm còn đem về được rất nhiều điều, mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.

 

 

 

      Hôm gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ diễn đàn giữa doanh nghiệp hai nước, chia sẻ những cảm xúc về mối quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đặc biệt ấn tượng về sự tương đồng đến mức ít phân biệt được đâu là người Hàn Quốc, đâu là người Việt Nam. Điều này cũng trùng hợp với một kỷ niệm không thể nào quên của người Hàn Quốc đầu tiên biết tiếng Việt. Ông là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Hàn- Việt Cho Jae Hyun. Năm 1989, khi lần đầu tiên chân ướt, chân ráo sang Việt Nam, Phó chủ tịch Cho Jae Hyun đã bị nhầm là người Việt Nam. (Một người Việt Nam đã hỏi rằng Ông đã sống lưu vong ở nước ngoài được bao nhiêu năm rồi). Từ đó đến nay, ông vẫn thường đi về giữa Việt Nam- Hàn Quốc và hiện đang tham gia vào chương trình phổ biến tiếng Việt ở Hàn Quốc. Đây có lẽ chỉ là một chi tiết trong rất nhiều cái gọi là hai nước châu Á có nhiều nét văn hóa tương đồng được nhắc tới trong các cuộc hội kiến, hội đàm giữa Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống, Chủ tịch QH Hàn Quốc cũng như các cuộc gặp gỡ thân mật khác...

 

      Tính đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc mới thiết lập quan hệ ngoại giao được 15 năm. Thời gian chưa dài, nhưng điều này không lấy gì làm can hệ tới tiến trình hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại của Hàn Quốc vào Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Hàn Quốc luôn đứng đầu trong danh sách nhóm các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Riêng năm 2007, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 13 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương năm 2006 đạt 4,7 tỷ USD và hứa hẹn sẽ còn tăng nữa... Đây chắc chắn là tương lai không xa, bởi như những gì mà Tổng thống Lee Myung Bak chia sẻ với Chủ tịch QH trong buổi hội kiến là hiện nay các doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng nhanh hơn cả.

 

      Không đơn thuần là sự đầu tư, hợp tác làm ăn từ một phía mà giữa Việt Nam và Hàn Quốc có sự giao thoa khá lớn. Nhiều tập đoàn lớn, hàng đầu của Hàn Quốc đang có những kế hoạch hoặc đang triển khai việc mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Thời gian ở thăm Hàn Quốc của Đoàn khá gấp gáp- chưa đầy 3 ngày- nhưng trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã kịp ký với nhau 4 dự án, hợp đồng, biên bản ghi nhớ, với trị giá lên tới hơn tỷ USD.

 

 

 

      Hiện nay, ở Hàn Quốc cứ học tiếng Việt là sẽ có việc làm. Thông tin mà phía bạn cung cấp cho Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta nghe có vẻ như một lời khen tặng hơi quá. Tuy nhiên, không cần kiểm chứng ở đâu xa, bởi nhìn vào con số 40 ngàn người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam và khoảng 45 ngàn người Việt Nam đang làm việc, học tập tại Hàn Quốc thì có thể thấy thông tin trên phải là không có cơ sở. Tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước còn lớn lắm. Đấy là chưa kể tới 25 ngàn cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc đang sinh sống ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới này. 25 ngàn cô dâu Việt tương ứng với đó là 25  ngàn chàng rể Việt. Vậy nên, mới nói rằng, bên cạnh mối quan hệ đối tác kinh tế, cùng có lợi, cùng phát triển thì quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc còn là quan hệ của tình anh em, tình dâu gia. Dẫu rằng chưa phải tất cả các cặp vợ Việt- chồng Hàn đều đã thông hiểu nhau khi đi đến quyết định kết hôn. Tuy nhiên, với vai trò là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Ban lãnh đạo Hội hữu nghị Hàn- Việt đã và đang có nhiều động thái giúp xóa bỏ sự khác biệt này. Đó là dự án về tổ chức lớp đặc biệt giảng dạy văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam và Hàn Quốc cho những người đã hoặc có ý định kết hôn với cô dâu Việt như một điều kiện bắt buộc sẽ được tiến hành trong nay mai. Rồi, việc Hội đã tham gia góp ý kiến vào dự án luật về kết hôn quốc tế đang được QH Hàn Quốc xem xét và dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2008... Khi đã hiểu nhau, có sự điều chỉnh đúng lúc và kịp thời của luật pháp thì chắc chắn một vài sự việc đáng tiếc của các cô dâu Việt trong thời gian vừa qua sẽ không xảy ra nữa. Mong muốn của Phó chủ tịch Cho Jea Hyun có lẽ cũng là mong muốn của các thành viên trong Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta. Hy vọng những hoạt động tích cực như thế sẽ sớm được triển khai.

 

      Nói như vậy không có nghĩa là giữa Việt Nam và Hàn Quốc toàn là những điểm tương đồng. Mỗi nước đều có những thế mạnh, những điểm khác biệt có thể bổ sung cho nhau. Với thành công trong phát triển kinh tế, thế giới, trong đó có Việt Nam khâm phục gọi sự phát triển Hàn Quốc là Kỳ tích sông Hàn. Nhưng, nếu Việt Nam từng có vĩ tuyến 17 ngày và đêm thì Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày nay đang bị chia cắt bởi vĩ tuyến 38. Hàn Quốc mong muốn được học hỏi kinh nghiệm thống nhất đất nước của Việt Nam- Chủ tịch QH Hàn Quốc Lim Chae Jung đã chia sẻ như vậy trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của cơ quan lập pháp hai nước. Ngược lại, Việt Nam có độc lập, thống nhất, nhưng vẫn là một đất nước có nền kinh tế chậm phát triển. Còn nhiều việc phải làm để sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để năm 2020 trở thành nước công nghiệp phát triển.

 

      Những nét văn hóa tương đồng và những thế mạnh của mỗi nước đã và đang bổ sung cho nhau. Cơ hội cho bạn cũng là cơ hội cho mình. Điều quan trọng là phải nắm được cơ hội và tận dụng nó phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân mỗi nước. Với mong muốn như vậy, trong cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Việt Nam luôn coi thành tựu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc vào Việt Nam cũng là thành tựu của chính mình, coi những phần mà các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cũng là một phần của nền kinh tế Việt Nam.

 

      Chưa đầy 36 giờ đồng hồ trên xứ sở của sâm Cao Ly, gặp gỡ các Lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc tại Thủ đô Seoul- nằm trong top 20 thành phố đẳng cấp nhất thế giới- có những thành công có thể lượng hóa ngay được. Nhưng, có những điều cần thêm thời gian. Tuy vậy, sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà Hàn Quốc dành cho Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay đã thấy hứa hẹn những sự hợp tác tốt đẹp trong thời gian tới giữa hai nước.

Thanh Tâm

(http://nguoidaibieu.com.vn)