Tham dự phiên chất vấn này, cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ QH, có đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; chín đại biểu QH ở địa phương có câu hỏi chất vấn và các đại biểu QH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH; đại diện nhiều cơ quan Nhà nước hữu quan.
Về phía các cơ quan trả lời chất vấn, có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình.
Ðây là lần đầu, các đại biểu QH thực hiện chức năng giám sát tối cao bằng việc chất vấn lãnh đạo các cơ quan Nhà nước do QH bầu hoặc phê chuẩn giữa hai kỳ họp của QH.
Ðiều khiển phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có 32 câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH thuộc 12 đoàn đại biểu QH gửi về. Các câu hỏi đó đã được chuyển đến các cơ quan hữu quan và đã được trả lời.
Trong phiên họp này Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời về những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế, xã hội hiện nay mà đông đảo cử tri cả nước quan tâm.
Các thành viên khác của Chính phủ, khi có vấn đề liên quan cũng có thể tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Nguyên nhân làm giá cả tăng cao và các giải pháp kiềm chế lạm phát
Mở đầu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của các đại biểu QH có câu hỏi gửi đến trước cũng như nêu trực tiếp tại phiên họp về hai vấn đề: Nguyên nhân làm giá cả thị trường tăng cao và các giải pháp kiềm chế lạm phát; công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, từ cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, nước ta tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn thách thức, tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô, giá cả và lạm phát.
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội quý I-2008 có chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn một số diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tăng trưởng và phát triển. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (tháng 2 tăng 6,02% so với đầu năm; tháng 3 tăng từ 9,19% so với đầu năm, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, nhờ thực hiện quyết liệt những biện pháp bình ổn giá, tốc độ tăng chỉ số giá tháng 3 đã thấp hơn so với tháng 2 (tháng 2: 3,56%, tháng 3: 2,99%).
Nguyên nhân giá cả thị trường tăng cao, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, là do kinh tế thế giới suy giảm; đồng USD mất giá; giá dầu thô, giá nguyên liệu cơ bản, lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng cao; lạm phát có tính chất toàn cầu.
Giá thị trường thế giới liên tục tăng cao trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay và vẫn trong xu thế tăng đã kéo giá trong nước tăng theo (so cùng kỳ năm 2007: giá xăng, dầu tăng 51,24%, phôi thép tăng 43%, phân bón tăng 67%, lương thực tăng 21,53%, thực phẩm tăng 28,4%).
Ðây là yếu tố bất khả kháng khi nước ta đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Nguyên nhân nội tại sâu xa là trình độ phát triển, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế thấp, sức cạnh tranh chưa cao. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp (rét đậm, rét hại, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, sâu rày hại lúa, cây trồng...) đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, gây căng thẳng cục bộ ở một số loại hàng hóa.
Nhu cầu và sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư tăng cao, đặc biệt trong dịp Tết (tăng khoảng 30% so với tháng bình thường và tăng 20% so với Tết Ðinh Hợi).
Dòng vốn nước ngoài qua đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA, kiều hối, du lịch... tiếp tục chuyển vào nhiều là cơ hội để phát triển đất nước nhưng khả năng hấp thụ của nền kinh tế chưa tốt, gây sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng giá VND.
Thị trường chứng khoán sụt giảm; thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, nhất là ở những đô thị lớn; thị trường vàng giá tăng cao (tăng 37,85% so cùng kỳ) đã tác động đến thị trường hàng hóa dịch vụ.
Bộ trưởng nhận định, qua thực tế tình hình quý I và dự báo cho những tháng còn lại, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát mà Quốc hội đề ra đầu năm là rất khó khăn.
Do đó, kiến nghị đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu giai đoạn hiện nay là kiểm soát lạm phát; phấn đấu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng không cao hơn mức tăng năm 2007; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị xã hội; duy trì tăng trưởng kinh tế phù hợp diễn biến mới của tình hình.
Theo hướng đó, giải pháp về sản xuất và bảo đảm cân đối cung cầu là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, chú trọng khôi phục sản xuất nông nghiệp ở những nơi vừa qua bị thiệt hại do rét đậm, rét hại; khai thác các nguồn nội lực cho phát triển trên cơ sở tăng nhanh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ, trước hết là không để thiếu các mặt hàng chiến lược, thiết yếu.
Ðiều hành chính sách tài chính - ngân sách theo hướng phấn đấu tăng thu, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhằm giảm bội chi ngân sách.
Cụ thể là phấn đấu thu NSNN đạt và vượt kế hoạch 5% so với dự toán Quốc hội thông qua. Tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết gia nhập WTO; điều chỉnh hợp lý thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng để góp phần hạn chế nhập siêu.
Ðối với chi đầu tư: Giữ tổng mức đầu tư không tăng thêm. Rà soát lại và đưa ra khỏi danh mục những dự án đầu tư không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, không đủ thủ tục, chưa rõ nguồn vốn.
Ðối với chi thường xuyên: Ðiều hành theo hướng tiết kiệm và tăng cường kiểm soát chi tiêu ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Theo đó, sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm những khoản chi chưa thật sự cần thiết, cấp bách (hội nghị, hội thảo, tiếp khách, nghiên cứu khảo sát ở nước ngoài... tiết kiệm chi thêm 10%).
Không sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu (nếu có) cho các nhiệm vụ chưa thật cần thiết.
Về tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước: Ðưa ra khỏi đối tượng với các dự án đầu tư sản xuất xi-măng, sắt thép, dự án thủy điện, dự án giao thông có khả năng thu hồi vốn; bổ sung các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa vào danh mục được hưởng chính sách. Giảm mức hỗ trợ sau đầu tư để giảm cấp bù ngân sách.
Phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục và y tế tuyến huyện phải phù hợp tiến độ giải ngân.
Trước mắt tạm dừng phát hành trái phiếu quốc tế. Rà soát điều chỉnh giảm mức đầu tư từ vốn Trái phiếu Chính phủ cho phù hợp khả năng thực hiện. Tăng cường kiểm soát hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Kiên trì thực hiện lộ trình giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Từ nay đến hết tháng 6-2008 chưa điều chỉnh giá đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Về chính sách tiền tệ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng, tín dụng, góp phần hạn chế lạm phát. Nâng lãi suất ngân hàng cũng là giải pháp kiềm chế lạm phát. Việc này, tuy có gây sức ép nhất định nhưng buộc các doanh nghiệp phải tính toán cân nhắc việc đầu tư vào đâu để có hiệu quả cao nhất.
Về chính sách phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo lộ trình kế hoạch đã đề ra; chủ động điều hòa kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu, phù hợp với diễn biến cân đối cung cầu của thị trường trong từng thời điểm.
Về các chính sách thương mại, xuất nhập khẩu: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng hàng chế biến, giảm chi phí kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Ða dạng hóa thị trường nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu và các thị trường nhập siêu.
Về tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã sáp nhập, giải thể, phá sản các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh yếu kém, thua lỗ; tổ chức củng cố các tổng công ty nhà nước, hình thành các tập đoàn kinh tế đa sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước nhằm tập trung nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế then chốt.
Tính đến cuối năm 2007, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.261 doanh nghiệp, trong đó: Cổ phần hóa 3.745 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp (chiếm 71,3%); giao, bán, khoán, cho thuê 352 doanh nghiệp (chiếm 6,7%); sáp nhập, hợp nhất 456 doanh nghiệp (chiếm 8,6%); các hình thức khác (giải thể, phá sản, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu...) 708 doanh nghiệp (chiếm 13,4%).
Phân theo chủ sở hữu, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 58,2%; thuộc các bộ, ngành chiếm 30,2%; thuộc các tổng công ty 91 chiếm 11,6%. Việc quản lý hoạt động doanh nghiệp sau cổ phần hóa thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ô-tô, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, chính sách thuế phải linh hoạt, căn cứ diễn biến của thị trường trong từng thời điểm. Tới đây có thể nghiên cứu tiếp tục tăng thuế để quản lý và điều tiết thị trường. - "Mỗi thứ một tý, góp gió thành bão" - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xuất hiện việc làm giá, "té nước theo mưa" của một số người kinh doanh cơ hội trong thời gian qua. Ðồng thời cho biết, hiện Chính phủ và Bộ Tài chính đang chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Tác động của tăng giá vật tư nông nghiệp đối với sản xuất và thu nhập của nông dân
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát trả lời chất vấn của các đại biểu QH về hai vấn đề, đó là việc thi công và công tác quản lý Dự án giao thông, thủy lợi Ô Môn-Xà No và tình hình giá cả vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao cùng giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ năm 2007 đến nay, giá cả hầu hết các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp đều có chiều hướng tăng liên tục, trong đó các loại vật tư, nguyên liệu chủ yếu có tốc độ tăng giá khá cao, cụ thể là về giá giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tháng 1-2007 giá phân bón DAP khoảng 5.500 đồng/kg; phân u-rê khoảng 4.850 đồng/kg từ đó đến nay giá tăng liên tục, đến tháng 3-2008, giá phân DAP từ 14.000 - 16.500 đồng/kg; phân u-rê khoảng 7.000 - 7.200 đồng/kg; giá thuốc bảo vệ thực vật tăng 30 - 40% so với năm 2006, giá giống lúa tăng khoảng 20%.
Về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, so sánh giữa quý I-2007 với thời điểm hiện nay, giá ngô tăng từ 3.500 đồng/kg lên 5.000 - 5.200 đồng/kg; sắn lát tăng từ 2.200 đồng/kg lên 3.500 đồng/kg; khô dầu đậu tương tăng từ 4.500 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg; bột cá 11.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; giá thuốc thú y tăng khoảng 15%, tuy nhiên giá vắc-xin LMLM và vaccine cúm gia cầm không tăng. Về xăng, dầu, từ cuối tháng 11-2007 đến nay, giá xăng, dầu đã hai lần điều chỉnh tăng, trong đó dầu diesel tăng 5.200 đồng/lít; riêng giá xăng tăng 2.500 đồng/lít so với đầu năm 2007.
Về nguyên nhân của sự tăng giá, Bộ trưởng cho rằng, do 50% nhu cầu phân bón, 20% ngô, 100% khô dầu, 45% bột cá và 100% các chất phụ gia để sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gần 100% thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; 70% thuốc thú y, 100% xăng, dầu phục vụ sản xuất trong nước đều phải nhập khẩu theo cơ chế thị trường trong điều kiện giá thị trường thế giới tăng liên tục nên kéo theo giá bán vật tư nông nghiệp trong nước tăng theo.
Do giá cả các loại vật tư chủ yếu phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng cao nên tất yếu dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Mặt khác, thời gian vừa qua, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, đặc biệt là rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa ở đồng bằng sông Cửu Long; dịch lở mồm long móng trâu bò, lợn; dịch cúm gia cầm; dịch bệnh trên tôm hùm, tôm thẻ chân trắng; tình hình mưa lũ, hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài, bất lợi cho sản xuất đã làm tăng thêm chi phí phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai. Tất cả đã làm cho giá thành sản xuất tăng lên.
Việc giá cả vật tư tăng còn gây khó khăn trong việc mở rộng sản xuất do nông dân không đủ vốn đầu tư, trong khi đó việc vay vốn ngân hàng còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, do giá cả hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng và thị trường thuận lợi, nhất là các mặt hàng có tỷ trọng và số lượng hàng hóa lớn như lúa gạo, cao-su, cà-phê, thịt các loại nên mặc dù chi phí sản xuất có tăng song người sản xuất vẫn có lãi. Thí dụ giá lúa cao, 4.200 - 4.400 đồng/kg, bình quân một ha lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long cho lợi nhuận đạt 12, 15 triệu đồng, tăng hai triệu đồng so với đông xuân 2007.
Trước tình hình giá cả vật tư tăng cao, để duy trì sản xuất tiếp tục tăng trưởng, bảo đảm sản xuất có lãi, giải pháp đặc biệt quan trọng là phải tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào; điều chỉnh quy mô, phương thức sản xuất; xử lý tốt quan hệ cung-cầu về vật tư trên thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo các địa phương và người sản xuất tập trung vào một số biện pháp như sau:
Ðối với sản xuất trồng trọt, hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật sử dụng tiết kiệm giống, phân bón, nước, thuốc trừ sâu bằng quy trình "ba giảm, ba tăng"; chỉ đạo chặt chẽ về cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy để phòng tránh sâu bệnh và thời tiết bất lợi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng không đòi hỏi nhiều nước, phân bón vô cơ.
Ðối với lĩnh vực chăn nuôi, chỉ đạo các tỉnh miền núi phía bắc tập trung khôi phục nhanh đàn trâu, bò để bù đắp vào số thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại vừa qua kết hợp việc vận động và có chính sách hỗ trợ để thay đổi phương thức chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát.
Ðối với lĩnh vực lâm nghiệp, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kế hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng năm 2008 thuộc dự án năm triệu ha rừng; xây dựng chính sách để khuyến khích trồng rừng sản xuất; triển khai thực thi chính sách cấp gạo cho đồng bào dân tộc giữ rừng; quản lý chặt chẽ việc canh tác nương rẫy.
Ðối với lĩnh vực thủy sản, ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ vừa mới được ban hành (Quyết định số 289/QÐ-TTg, ngày 18-3-2008 về một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân) bộ đang tập trung chỉ đạo các tỉnh phía bắc khôi phục nuôi trồng sau đợt rét đậm, rét hại; tổ chức quy hoạch và hướng dẫn thực hiện các quy định về vùng nuôi trồng, điều kiện nuôi trồng cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm hùm đối với các tỉnh phía nam.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) về trách nhiệm trong việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật tư và máy móc phục vụ nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết thêm, bên cạnh các quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tiếp tục phối hợp và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên để xem xét giải quyết.
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, bên cạnh việc phân tích đánh giá tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém trong nội tại nền kinh tế, đó là sự "yếu kém toàn thân" và nếu không được chấn chỉnh kịp thời thì hậu quả sẽ rất lớn.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ yếu kém của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành kinh tế, trong đó có việc chậm điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện..., làm "méo mó" các quan hệ kinh tế.
Các giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát bước đầu phát huy tác dụng, song theo Phó Thủ tướng, Chính phủ vẫn tiếp tục theo dõi và tiếp tục điều chỉnh. Từ nay đến tháng 6-2008, sẽ tập trung kiểm soát giá một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ổn định của thị trường. Chính phủ cũng kiên quyết thắt chặt các khoản chi tiêu không cần thiết, thực hành chính sách tiết kiệm, giảm hội họp, giảm các khoản chi tiêu công...
Thực trạng trình độ, năng lực đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời các câu hỏi chất vấn và kiến nghị của cử tri các tỉnh Hải Dương, Ðiện Biên, Hà Tĩnh, Bình Ðịnh về thực trạng trình độ, năng lực đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp.
Theo Chánh án, đến nay (tính đến ngày 15-3-2008), Tòa án nhân dân tối cao có 116 thẩm phán, còn thiếu bốn người; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có 997 thẩm phán, còn thiếu 121 người (10,8%); Tòa án nhân dân cấp huyện có 3.249 thẩm phán, còn thiếu 441 người (11,9%). Riêng các tòa án quân sự đã bổ nhiệm đủ số lượng thẩm phán theo quy định.
Tính trung bình thì mỗi tòa án nhân dân cấp tỉnh thiếu khoảng 1,8 người; mỗi tòa án nhân dân cấp huyện thiếu khoảng 0,65 người. Số lượng thẩm phán chưa bổ nhiệm đủ chủ yếu tập trung ở các khu vực phía nam như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Hậu Giang, Cà Mau và một số tỉnh miền núi như Ðác Nông, Gia Lai, Ðiện Biên.
Nguyên nhân của tình hình thiếu thẩm phán là do việc tạo nguồn thẩm phán không theo kịp yêu cầu biên chế và số lượng thẩm phán đối với số địa phương có số lượng án rất lớn, gia tăng mạnh, thí dụ như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương. Ðối với các địa phương khác thuộc khu vực miền núi hoặc vùng xa, việc thiếu thẩm phán là do gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ và tạo nguồn thẩm phán.
Bên cạnh tình hình thiếu thẩm phán, cán bộ so với biên chế, số lượng thẩm phán được giao nói trên, tòa án các cấp cũng cần phải bổ sung thêm biên chế và thẩm phán thì mới đáp ứng được công tác xét xử trong tình hình hiện nay. Tính trung bình mỗi năm ngành Tòa án cần bổ sung 1.000 người, trong đó có khoảng 450 thẩm phán và 550 thư ký và cán bộ, công chức hành chính khác.
Như vậy, nhu cầu về cán bộ, thẩm phán của ngành tòa án là rất lớn, nhưng hiện tại ngành tòa án đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ và tạo nguồn thẩm phán.
Thực tế cho thấy, điều kiện sinh hoạt khó khăn, tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống, công tác xét xử đòi hỏi tiêu chuẩn nghề nghiệp và trách nhiệm công tác cao, môi trường làm việc không thuận lợi do áp lực công việc và tính rủi ro nghề nghiệp cao cho nên nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học luật loại khá, giỏi hoặc những người có năng lực, kinh nghiệm làm công tác pháp luật như các luật gia, luật sư... không muốn làm công tác tòa án.
Do thu nhập thấp nên đã có một số thẩm phán và cán bộ có trình độ học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ luật đã xin thôi việc để ra ngoài làm luật sư hoặc làm việc cho các doanh nghiệp, công ty nước ngoài có điều kiện làm việc và thu nhập cao hơn.
Mặt khác, hiện nay do chưa có cơ chế gắn việc đào tạo với việc sử dụng, phân công công tác đối với sinh viên tốt nghiệp đại học luật nên ngành tòa án cũng như các cơ quan tư pháp khác hoàn toàn thụ động trong việc tạo nguồn cán bộ cho ngành mình.
Ðối với những khó khăn, bất cập này, tự thân ngành tòa án khó có thể giải quyết được nếu không có những thay đổi cơ bản về chính sách đào tạo, về chế độ tiền lương và các điều kiện bảo đảm khác đối với cán bộ tòa án từ phía các cơ quan nhà nước và sự ủng hộ, quan tâm của các ngành, các cấp.
Theo Chánh án, về lâu dài, ngành tòa án nhân dân chỉ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng đội ngũ thẩm phán tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh khi có đầy đủ cơ chế và điều kiện để chủ động khắc phục những bất cập, khó khăn tồn tại hiện nay trong việc đào tạo, tạo nguồn, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị:
Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế giao quyền tự chủ cho Tòa án nhân dân tối cao trong việc đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu công tác chuyên môn của ngành tòa án.
Thứ hai, nhanh chóng cải tiến, đổi mới chính sách chế độ tiền lương và các điều kiện bảo đảm khác cho cán bộ, thẩm phán theo hướng tiền lương và phụ cấp phải bảo đảm mức khá, có tích lũy cho cán bộ, thẩm phán nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành, đồng thời thể hiện đúng đắn sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với công tác Tòa án, bảo đảm vị trí, vai trò của cơ quan tòa án trong hệ thống chính trị.
Thứ ba, đổi mới phương thức quản lý, xây dựng ngành tòa án phù hợp việc tổ chức lại hệ thống tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp theo hướng thành lập Tổng cục quản lý Tòa án trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao có chức năng trực tiếp quản lý và bảo đảm công tác tài chính, hậu cần, xây dựng cơ bản, đào tạo, tổ chức cán bộ.