Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII: Có nên tăng, giảm một số loại thuế suất vào thời điểm này

08/05/2008

Các ý kiến thảo luận tập trung nhiều vào nội dung có nên tăng thuế suất đối với các lĩnh vực liên quan đến nông dân vào thời điểm này hay không và liệu việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước, có khuyến khích doanh nghiệp làm ăn tốt hơn…

(VOV)_ Chiều ngày 7/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật là Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Những nội dung được sửa đổi của Luật Thuế giá trị gia tăng gồm: đối tượng không chịu thuế, mức thuế suất, phương pháp tính thuế và quy định về việc khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào...  Nội dung thu hút nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu đó là việc điều chỉnh một số nhóm hàng hoá, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 5% lên mức thuế suất 10%, trong đó có mặt hàng nông nghiệp và hàng hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Nhật (đoàn Hà Tĩnh) nêu ý kiến, việc xem xét quyết định tăng thuế suất đối với hàng nông nghiệp và hàng hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp từ 5% lên 10% trong lúc này là không nên, trong khi đời sống của nông dân đang gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như thiên tai, dịch bệnh, lạm phát, tăng giá... Đại biểu nhấn mạnh, ở Việt Nam,  80% dân số là nông dân, thực tế thu nhập của nông dân còn đang rất thấp, đặc biệt thời gian qua dịch bệnh, thiên tai rồi lạm phát xảy ra làm đời sống và sản xuất của nông dân càng thêm khó khăn. Vì vậy, trong thời điểm này mà tăng thuế suất đối với hàng nông nghiệp và hàng hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp từ 5 lên 10% tôi thấy rất băn khoăn và cần phải cân nhắc kỹ nội dung này.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Nhật, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong thời điểm này, Chính phủ đang kêu gọi cả nước đoàn kết chống lạm phát, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất từ lạm phát chính là những người nông dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất được điều chỉnh tăng vào lúc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân, điều đó là không hợp lý. Đối với các doanh nghiệp cũng vậy. Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm chi phí đầu vào, một số lĩnh vực nếu điều chỉnh từ 5 lên 10% thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải chịu cả áp lực đầu vào lẫn việc tăng thuế. Chúng ta đang cố gắng để giảm nhập siêu, tăng hàng xuất khẩu, như vậy quyết định điều chỉnh đưa ra vào thời điểm này là không phù hợp.

Dự án luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đề nghị giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% (mức hiện hành) xuống còn 25%. Một số ý kiến của Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội chưa tán thành với mức điều chỉnh này vì cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang là nguồn thu chủ yếu trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế suất từ 28% xuống còn 25% có thể dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách của địa phương.

Giải trình của Chính phủ thì cho rằng mục đích của việc giảm thuế là nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nước ta trong thu hút vốn đầu tư và bảo đảm mặt bằng thuế chung với các nước trong khu vực, nhưng hiện nay một số nước trong khu vực vẫn đang áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trên 28% (cao hơn mức thuế hiện hành của Việt Nam). Hơn nữa, mức thuế suất cao hay thấp chỉ là một trong những yếu tố thu hút đầu tư. Trên thực tế, việc áp dụng mức thuế suất 28% theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì không gây cản trở trong việc thu hút đầu tư vào nước ta.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, nếu mức thuế suất giảm xuống 25% thì chúng ta sẽ thất thu khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng bù lại, việc điều chỉnh lại các mức miễn giảm và quan trọng là tổ chức thu thuế tốt hoặc hậu kiểm tốt, tránh tình trạng không xác định được thu nhập chịu thuế thì vẫn bù đắp được và khoản bù đắp này theo tính toán của Bộ Tài chính là hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể chúng ta thâm hụt năm vào khoảng 3.000 tỷ đồng, nhưng chỉ có thể bị thâm hụt năm đầu, sang năm thứ hai, hiệu quả của việc kích thích sẽ mang lại cho doanh nghiệp của chúng ta những khoản đầu tư lớn hơn.

Đại biểu Phương Hữu Việt (đoàn Bắc Ninh) lại cho rằng, nếu tính cả mức thuế thu nhập cá nhân (5%) từ lợi tức của doanh nghiệp (nếu áp dụng từ 1/1/2009) thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp lại tăng lên chứ không phải giảm đi. Đại biểu này cho rằng nên giảm mức thuế xuống còn 20%, như thế một mặt sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đóng thuế nghiêm túc và minh bạch hơn, hạn chế tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực này. Mặt khác, đại biểu Việt cho rằng, giảm thuế không có nghĩa là thu ngân sách sẽ bị giảm mà trên thực tế có thể tăng lên.

Sáng 8/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình các dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý; Báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương./.

 

(http://www.vovnews.vn/)