Quốc hội thông qua ba dự án luật

03/06/2008

ND - Ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ ba, QH khóa XII, buổi sáng, QH thảo luận dự án Luật Ða dạng sinh học. Buổi chiều, QH đã thông qua toàn bộ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Buổi sáng dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu QH nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình dự án Luật Ða dạng sinh học (ÐDSH); nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Ðặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật ÐDSH nêu rõ: Việt Nam được biết đến như là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gien hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường được đề cập trong Văn kiện của các kỳ Ðại hội Ðảng toàn quốc và được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH. Tuy nhiên, các chủ trương nói trên của Ðảng và Nhà nước chưa được luật hóa kịp thời, đầy đủ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường có những quy định mang tính nguyên tắc, bao trùm và khái quát về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhưng các quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học đang nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý khác nhau và mỗi văn bản lại chỉ đề cập một hoặc vài khía cạnh của đa dạng sinh học. Theo Tờ trình, dự án Luật ÐDSH có 10 chương, 90 điều.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường về dự án Luật này cho biết: Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh thống nhất, toàn diện các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH như mục tiêu đã đề ra trong Tờ trình của Chính phủ. Ðồng thời, việc ban hành Luật ÐDSH còn tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hợp lý ÐDSH, cải thiện và ổn định cuộc sống cho người dân trong việc bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các điều khoản của dự thảo Luật ÐDSG đã quy định khá toàn diện, cụ thể các vấn đề của việc bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH nên có tính khả thi. Tuy nhiên, có một số quy định cần được chỉnh sửa để phù hợp hơn với thực tiễn.

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật ÐDSH, hầu hết các ý kiến phát biểu bày tỏ sự nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Luật đa dạng sinh học trong hoàn cảnh nước ta hiện nay; đồng thời nêu rõ, dự thảo Luật được soạn thảo công phu, toàn diện và tương đối chặt chẽ. Ðối với một số vấn đề cụ thể, các đại biểu có những ý kiến và đề xuất khác nhau.

Ðại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nhất trí với dự thảo về việc chia các khu bảo tồn thành bốn phân hạng, nhưng cho rằng, một số quy định về chức năng quản lý của T.Ư và các địa phương chưa rõ ràng. Cần quy định rõ phân khu hành chính dịch vụ để tránh hiện tượng phát triển du lịch sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và bảo tồn ÐDSH. Bên cạnh đó, dự án Luật cần đề cập công tác bảo tồn và phát triển sinh học nguồn cây dược liệu quý hiếm, vì đây là nguồn dược liệu quan trọng đối với việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó có phòng, chống các bệnh ung thư. Ngoài ra, cần quy định công khai những sinh vật biến đổi gien và những tác hại cũng như lợi ích của biến đổi gien để người dân được biết.

Trước tình trạng nước ta có nhiều loài sinh vật bị đe dọa diệt chủng, thậm chí bị đe dọa ở mức nguy cấp, đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc) đề nghị dự án Luật bổ sung điều khoản nghiêm cấm nuôi dưỡng, vận chuyển và mua bán  trái phép các loài được pháp luật bảo vệ. Những thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gien cần được công khai, dán nhãn mác và có giấy phép lưu hành.

Ðề cập trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo tồn ÐDSH, các đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc), Lê Minh Hồng (Hà Nam), Võ Minh Thức (Phú Yên)  và một số đại biểu khác cho rằng, dự án Luật chưa nêu cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm của T.Ư, địa phương và các bộ ngành liên quan. Không nên "dồn" quá nhiều công việc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường mà cụ thể hóa nhiệm vụ đối với từng bộ, ngành; đồng thời làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các địa phương đối với công tác bảo tồn ÐDSH. Một mặt làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân về bảo tồn ÐDSH nhưng cần gắn chặt quyền lợi của người dân tại khu vực này với phát triển du lịch. Và để ngăn chặn nạn phá rừng tràn lan, có thể quân sự hóa lực lượng kiểm lâm để cơ quan này có đủ sức mạnh thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ðối với vấn đề nuôi sinh sản thương mại mà dự án Luật đề cập, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu rõ, không nên khuyến khích công việc này và một số điều trong Luật còn chưa thống nhất giữa việc cho phép nuôi với việc cấm săn bắt các loài sinh vật. Ðại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) cho rằng, rất nhiều người dân chưa biết chính xác những loài nào được coi là quý hiếm, vì vậy UBND các xã có khu bảo tồn ÐDSH cần có cán bộ chuyên về vấn đề này, đồng thời nên công bố danh mục loài quý hiếm. Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản về bảo tồn sinh học chưa được chú trọng đúng mức nên việc bảo vệ ÐDSH tiến hành chưa bài bản.

Các đại biểu Phạm Thị Hòa (An Giang), Trịnh Thị Thu Bình (Bến Tre) và những đại biểu khác nhận định, một số thuật ngữ, vấn đề, điều khoản nêu ra trong Luật này không thống nhất và trùng lặp với một số điều ở những Luật liên quan đã được ban hành như Luật Thủy sản, Luật Ðất đai... Ðồng thời đề nghị bổ sung nội dung về công tác cứu hộ động vật bị buôn bán, vận chuyển trái phép sau khi các cơ quan chức năng phát hiện và thu hồi; bổ sung quy định về xử lý các động vật quý hiếm, hoang dã thuộc diện bảo tồn nhưng lại phá hoại tài sản và đe dọa tính mạng của nhân dân.

Một số ý kiến khác đề nghị dự án Luật cần nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn ÐDSH; bổ sung điều khoản nghiêm cấm việc lợi dụng trách nhiệm tại các khu bảo tồn để mua bán, săn bắt các động vật quý hiếm; đưa ra những quy định cụ thể về khai thác nguồn goen quý hiếm...

Buổi chiều, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đọc Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu QH đã cho ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 12-5. Báo cáo giải trình nêu rõ những điểm được tiếp thụ, chỉnh lý và thể hiện trong các điều của dự thảo luật, nhất là ở Ðiều 1, xác định "văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan Nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HÐND, UBND, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội"; nêu rõ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và một số vấn đề khác được tiếp thụ, chỉnh lý.

QH nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Ðặng Văn Chiến đọc toàn văn một số điều có ý kiến khác nhau của dự luật đã được tiếp thụ chỉnh lý. Với đa số phiếu tán thành QH đã biểu quyết lần lượt thông qua các điều được chỉnh lý kể trên. Sau đó, với 438 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 88,84% tổng số đại biểu, QH đã thông qua toàn bộ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 12 chương, 95 điều.

QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đọc Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các đại biểu QH đã cho ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 12-5. Báo cáo giải trình nêu rõ những điểm đã tiếp thụ, chỉnh lý và thể hiện trong các điều của dự thảo luật, nhất là về phạm vi điều chỉnh, trong đó, tài sản bao gồm: "Trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định". Dự thảo luật cũng quy định rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, và một số vấn đề khác.

QH nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Ðặng Văn Chiến đọc toàn văn một số điều có ý kiến khác nhau của dự luật đã được tiếp thụ, chỉnh lý. Với đa số phiếu tán thành, QH đã biểu quyết lần lượt thông qua các điều đã được chỉnh lý kể trên. Sau đó, với 436 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 88,44% tổng số đại biểu, QH đã thông qua toàn bộ dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gồm sáu chương, 39 điều.

QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đọc Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, các đại biểu QH đã cho ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 12-5. Báo cáo giải trình nêu rõ những điểm đã tiếp thụ, chỉnh lý và thể hiện trong các điều của dự thảo luật, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của luật này là "quy định về việc trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản trưng mua, trưng dụng; quyền và nghĩa vụ của người khác có liên quan đến việc trưng mua, trưng dụng tài sản"; đồng thời nêu rõ chính sách, nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản; về trình tự, thủ tục, quản lý việc trưng mua, trưng dụng tài sản; về giá tài sản, việc hoàn trả tài sản trưng mua, trưng dụng và một số vấn đề khác. Với đa số phiếu tán thành, QH biểu quyết lần lượt thông qua một số điều có ý kiến khác nhau đã được Ban soạn thảo tiếp thụ, chỉnh lý. Sau đó, với 443 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 89,86% tổng số đại biểu, QH đã thông qua toàn bộ dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, gồm bốn chương, 42 điều.

 

ÐINH SONG LINH và TRẦN ÐÌNH CHÍNH

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác