Đẩy nhanh cải cách giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

24/04/2008

Trước nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động với trình độ, tay nghề cao, vấn đề cải cách giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng.

(VOV)_ Sáng 23/4, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức Hội nghị Triển khai đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu các ngành: Công nghệ thông tin, Du lịch, Đóng tàu, Tài chính Ngân hàng và thực hiện chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Từ nay đến năm 2020, Hà Nội và thành phố  Hồ Chí Minh cần khoảng gần 4 triệu lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu các ngành nghề này. Để cung cấp nguồn lao động chất lượng phục vụ cho sự phát triển đất nước thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ cao, đáp ứng được với yêu cầu công việc đặt ra của các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các trường đại học của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần tiến hành phối hợp với các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn kinh tế xây dựng Trung tâm Quốc gia Thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Việc làm này có ý nghĩa trong việc đào tạo và giới thiệu nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho chính các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường và doanh nghiệp nên cùng nhau đánh giá và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với những hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, các trường đại học và doanh nghiệp cần tiến hành hợp tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ trình độ giảng dạy sinh viên để có được học vấn, tay nghề, chất lượng cao đáp ứng kịp với yêu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp khi Việt Nam gia nhập WTO. Trong đó, các trường đại học nên chú trọng đào tạo 20.000 tiến sĩ trong các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ và quản trị kinh doanh. Ngoài ra, hai bên cùng áp dụng hình thức giảng dạy tiếng Anh để đến năm 2020, tiếng Anh sẽ trở thành lợi thế của người Việt Nam khi giao tiếp, làm việc trong nền kinh tế hội nhập.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho ý kiến: Trước nhu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp, các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp cần tự đổi mới hình thức giảng dạy để đào tạo đủ số lượng lao động chất lượng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Nhằm thực hiện tốt vấn đề này, các trường nên “bắt tay” với các doanh nghiệp để kêu gọi sự tài trợ về cơ chế tài chính cho việc nâng cao, mở rộng, phát triển giáo dục.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu còn cho ý kiến về việc: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo từng ngành nghề; Gắn kết đào tạo với việc sử dụng nhân tài trong thời kỳ Công nghiệp hoá-hiện đại hoá…/.

 

Lê Hiếu

(http://www.vovnews.vn)